Multimedia Đọc Báo in

Vải ngọt trên vùng đất cằn

18:24, 30/04/2020

Xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) có 1.981 hộ, 8.545 nhân khẩu thuộc 12 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, phần lớn đồng bào di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%; hơn 90% dân số sản xuất nông nghiệp nhưng đất đai khô cằn, hiệu quả kinh tế kém.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế là bài toán khó đặt ra cho nông dân nơi đây. Sau khi vận động nông dân trồng thử nghiệm một số loại cây nhưng đều thất bại, hiện nay xã đang triển khai dự án đưa cây vải thiều u hồng chín sớm của miền Bắc về làm cây trồng chủ lực của địa phương và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước làm đổi thay miền quê nghèo.

Anh Lương Văn Hiệp (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng vải thiều cho người dân.
Anh Lương Văn Hiệp (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng vải thiều cho người dân.

Gia đình anh Lương Văn Hiệp (SN 1971, thôn Giang Hà) là một trong những hộ trồng vải thiều u hồng chín sớm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Hiệp chia sẻ: “Từ khi đến Đắk Lắk lập nghiệp cách đây 30 năm, tôi đã có ý nghĩ trồng xen canh cây vải thiều u hồng với cà phê nhằm mục đích chính là che mát. Cách đây khoảng 15 năm, tôi phá bỏ 8 sào cà phê để trồng vải thiều u hồng chín sớm. Quyết tâm làm theo hướng mới, cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trồng vải cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cà phê. Năm nay, vườn vải của tôi ước đạt sản lượng khoảng 7 tấn quả, với mức giá hiện tại khoảng 32 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Chưa kể, sau khi thu hoạch xong, tôi còn tiến hành chiết cành để bán ra thị trường, với giá 30 nghìn đồng/cành. Hiện tại, tôi đang thử nghiệm trồng thêm giống vải thiều Thanh Hà - loại vải chín đúng mùa với vải miền Bắc”.

63 ha vải, 1.000 tấn thu hoạch mỗi năm, là những con số ấn tượng ở vùng đất cằn cỗi như Ea Dăh.

Tương tự, anh Hà Văn Lưu (SN 1990, trú thôn Giang Châu) trước đây trồng 1 ha cà phê. Do đất canh tác cằn cỗi, lại thường xuyên thiếu nước về mùa khô nên cây cà phê chậm phát triển, năng suất thấp, trong khi đó, giá cả phân bón, ngày công lao động cao nên kinh tế gia đình vẫn không khá lên được. Cách đây khoảng 4 năm, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây vải thiều mang lại khá cao nên anh mạnh dạn phá bỏ cà phê để chuyển sang trồng 600 cây vải. Theo anh Lưu, trồng vải thiều không tốn nhiều công chăm sóc như cây cà phê, tuổi thọ của cây lại có thể kéo dài đến 20-30 năm nên thu nhập khá ổn định. Với giá bán như hiện nay (trên 30 nghìn đồng/kg), mỗi năm gia đình anh thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng từ 600 cây vải sau khi đã trừ chi phí...

Anh Hà Văn Lưu thu hoạch vải thiều.
Anh Hà Văn Lưu thu hoạch vải thiều.

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Dăh Đinh Xuân Hạnh, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện, xã  chọn vải thiều là cây trồng chủ lực của địa phương. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang triển khai thí điểm mô hình trồng cây vải thiều u hồng chín sớm tại thôn Giang Đông với sự tham gia của 4 hộ, trồng khoảng 1.200 cây trên diện tích hơn 3 ha. Trong thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ, quảng bá, tìm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.