Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã nông nghiệp dồn sức chống hạn

11:48, 22/05/2020

Tình trạng thiếu nước tưới trên diện rộng đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác sản xuất tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đang được các HTX cùng thành viên thực hiện nhằm nỗ lực cứu cây trồng, giảm thiệt hại do tác động xấu của thời tiết.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tiến (huyện Cư M’gar) có 95 thành viên và 55 nông dân liên kết, với tổng diện tích canh tác hơn 230 ha, chủ yếu là cà phê xen tiêu. Hơn 6 tháng qua, toàn bộ khu vực sản xuất của nông dân HTX tại địa bàn xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar) chưa ghi nhận cơn mưa nào đáng kể, tình trạng thiếu hụt nước tưới đã bắt đầu xuất hiện từ hơn 3 tháng trước, chủ yếu là các hộ sử dụng ao hồ, giếng đào. Thời gian gần đây, nhiều giếng khoan với độ sâu trên 100 m cũng đã bắt đầu hụt nước, nông dân phải tìm đủ mọi cách xoay xở cứu cây trồng.

HTX Thăng Bình 1 tổ chức đắp kè ngăn dòng Krông Ana để bơm nước cứu lúa.
HTX Thăng Bình 1 tổ chức đắp kè ngăn dòng Krông Ana để bơm nước cứu lúa.

Gia đình anh Trần Văn Trường (thành viên HTX Quyết Tiến) có 1 ha cà phê xen tiêu. Khoảng 5 năm trước, gia đình anh phải đầu tư thêm giếng khoan với độ sâu 130 m do giếng đào không còn đủ nước để tưới cho cây trồng trong mùa khô. Từ khoảng đầu tháng ba năm nay, giếng khoan bắt đầu hụt nước, dù anh sử dụng bơm 7,5 mã lực nhưng áp lực nước bơm lên quá yếu, không thể tưới trực tiếp nên đành phải bơm từ giếng khoan qua giếng đào rồi mới hút nước từ giếng đào tưới cho cây trồng. Anh Trường than vãn, bơm liên tục 3 giờ từ giếng khoan mới đủ nước để tưới cho cà phê trong vòng 1 giờ, rồi lại phải chờ 3 giờ nữa cho nước giếng khoan “hồi” lại mới bơm được tiếp, thế nhưng hiệu quả chẳng là bao. Tiêu trong vườn xem như mất trắng, còn cà phê đã bắt đầu có dấu hiệu cháy lá, suy kiệt do thiếu nước.

Đại diện HĐQT HTX Quyết Tiến theo dõi, cập nhật tình trạng thiếu nước tưới của thành viên trong cao điểm nắng hạn.
Đại diện HĐQT HTX Quyết Tiến theo dõi, cập nhật tình trạng thiếu nước tưới của thành viên trong cao điểm nắng hạn.

Ông Phạm Công Phi, thành viên HĐQT HTX Quyết Tiến cho biết, từ năm 2018 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT, toàn HTX có gần 20 hộ thành viên lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, với tổng diện tích 27,5 ha. Trong điều kiện khô hạn, các hệ thống tưới tiết kiệm đang phát huy hiệu quả tốt trong việc duy trì độ ẩm cung cấp cho cây trồng. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao, lên đến hơn 40 triệu đồng/ha nên nhiều thành viên của HTX không đủ kinh phí để tự đầu tư, HTX đang nỗ lực kết nối để Dự án tiếp tục hỗ trợ bà con. Bên cạnh đó, lãnh đạo HTX cùng tổ trưởng các tổ sản xuất thường xuyên nắm bắt tình hình, vận động các thành viên lân cận chia sẻ nguồn nước cho những thành viên thiếu nước nghiêm trọng. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích canh tác của thành viên và nông dân liên kết chưa có hiện tượng cà phê chết do nắng hạn song dự báo năng suất năm nay sẽ giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 50% năng suất niên vụ 2019.

Tính đến giữa tháng 5-2020, toàn tỉnh có 12.015 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 917 ha cây trồng bị mất trắng; 2.802 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Thiệt hại ước tính khoảng 190 tỷ đồng.

Tại HTX Nông nghiệp Thăng Bình 1 (huyện Krông Ana), việc giải quyết tình trạng thiếu nước tưới trở nên cấp bách bắt đầu từ giữa tháng tư, khi mực nước sông Krông Ana xuống thấp chưa từng có, suối Krông Điết cạn khô. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân bắt đầu xuống giống vụ hè thu nên HTX phải huy động 20 ca máy cùng 500 công lao động của người dân và thành viên HTX đắp kè ngăn giữa dòng Krông Ana để có đủ nước bơm vào cánh đồng. Ở nhiều điểm, HTX phải dùng thêm máy bơm động cơ diesel chuyển tiếp nước vào trạm bơm song hiện chỉ có 2/4 trạm bơm hoạt động. Lượng nước cung cấp cho cánh đồng chỉ đủ cầm cự cho cây lúa tại những diện tích đã gieo sạ. Ông Đoàn Công Bình, Giám đốc HTX Thăng Bình 1 cho biết, đơn vị phải tăng cường nhân lực túc trực cùng nông dân chống hạn, tận dụng mọi nguồn nước để duy trì sản xuất. Chi phí quản lý, vận hành hệ thống thủy nông trong mùa khô năm nay đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch, vụ hè thu phải kết thúc trước ngày 10-5 để tránh thiệt hại do bão lũ vào cuối vụ. Tuy nhiên, đến nay toàn HTX chỉ mới gieo sạ được 350 ha và vẫn còn hơn 180 ha chưa có nước để xuống giống.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 281 HTX nông nghiệp đang hoạt động, tổ chức sản xuất nhiều loại cây trồng như: cà phê, tiêu, lúa nước, ca cao, cây lâm nghiệp, cây ăn trái… Trước tình trạng hạn hán, các HTX đã tích cực thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó. Trước mắt, các đơn vị đang tận dụng nguồn lực tại chỗ, nỗ lực phân bổ tiết kiệm, hợp lý nguồn nước để giúp cây trồng vượt qua thời kỳ nắng hạn và lên phương án chăm sóc, phục hồi phù hợp khi diễn biến thời tiết khả quan hơn. Ngoài ra, trong giai đoạn chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, mưa đá nên các HTX cùng nông dân luôn theo sát thông tin dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.