Sức hút canh tác giống lúa ST24
Từ hiệu ứng truyền thông của Giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 (tổ chức tại Phillippines), gạo ST24, ST25 của Việt Nam đang có sức hút mạnh trên thị trường.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều đơn vị hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại các vùng đất lúa trên địa bàn tỉnh đã bắt tay sản xuất giống ST24 và đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Hơn 3 năm trước, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (huyện Krông Ana) đã bắt đầu nhận canh tác lúa ST24 theo đặt hàng của đơn vị cung ứng giống. Lúc bấy giờ, lúa ST24 còn khá mới mẻ và chưa được nhiều người biết đến nên phía cung ứng chỉ tạm gọi là “RVT thế hệ mới” và bao tiêu với giá ngang bằng với giá lúa RVT. Giống lúa này có đặc điểm hạt thuôn dài, chất lượng gạo thơm ngon, năng suất canh tác tại vùng chuyên canh lúa nước của HTX cao hơn hẳn so với lúa RVT, lên đến 11 tấn lúa tươi/ha (RVT đạt bình quân 9,5 tấn lúa tươi/ha).
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cùng HTX Giảm nghèo Ea Súp kiểm tra chất lượng lúa ST24 trồng thử nghiệm theo phương pháp hữu cơ. |
Sau vụ lúa thử nghiệm thành công ngoài mong đợi, HTX dần mở rộng diện tích canh tác lúa ST24. Giá lúa ST24 dần tăng cao so với các giống lúa lai khác giúp nông dân thêm phần yên tâm, phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh nhận xét, so với các giống lúa mà đơn vị từng canh tác trước đây, giống ST24 thích ứng tốt, không phát sinh sâu bệnh đáng kể, nhất là không thấy xuất hiện bệnh hoa cúc thường gây thiệt hại cho bà con trong vụ hè thu. Nhận thấy đặc tính kháng sâu bệnh cao của giống lúa này, vụ hè thu năm 2019, HTX đã chuyển đổi 2 ha từ canh tác truyền thống sang sử dụng hoàn toàn các biện pháp hữu cơ, sinh học với định hướng xây dựng thương hiệu gạo riêng cho HTX. Thời điểm thu hoạch, gạo ST24 lại được người tiêu dùng “săn đón” sau hiệu ứng từ Giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” của gạo ST25 (do gạo ST25 chưa có mặt trên thị trường). Vì vậy, toàn bộ sản lượng gạo ST24 sản xuất theo quy trình hữu cơ của HTX nhanh chóng được tiêu thụ hết với giá cao, nhiều đơn vị đặt hàng cung ứng lâu dài.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh triển khai 15 ha lúa hữu cơ và hơn 270 ha lúa canh tác theo quy trình thông thường. Trong đó, lúa ST24 hữu cơ được thu mua cao hơn 1.000 đồng/kg, giúp thành viên được hưởng lợi trực tiếp từ việc ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, bền vững. Bước đầu, HTX cũng đã thuê kỹ sư nông nghiệp soạn quy trình hữu cơ riêng cho đơn vị, đồng hành giám sát quá trình sản xuất để xây dựng giá trị riêng cho thương hiệu gạo của HTX. Đây là những bước đi quan trọng để HTX quy hoạch riêng vùng sản xuất hữu cơ trên cánh đồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng khách hàng khó tính.
HTX Giảm nghèo Ea Súp thu hoạch lúa ST24 canh tác theo quy trình hữu cơ tại cánh đồng xã Ya Tờ Mốt. |
Tại cánh đồng xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) giống lúa ST24 cũng vừa được HTX Giảm nghèo Ea Súp trồng thành công theo hướng sản xuất hữu cơ. Ngay sau khi hay tin gạo ST24, ST25 đạt thành công lớn tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11, HTX Giảm nghèo Ea Súp đã cử thành viên cùng nông dân đến tận nhà của Kỹ sư Hồ Quang Cua (tỉnh Sóc Trăng) để tìm hiểu quy trình canh tác và mua lúa giống. Tại đây, các thành viên trong đoàn được mời dùng thử 3 đĩa cơm nấu từ gạo ST21, ST24 và ST25 chỉ ký hiệu bằng số thứ tự để mọi người cùng chọn ra đĩa cơm ngon nhất. Điều trùng hợp là hầu hết mọi người đều lựa chọn đĩa cơm được nấu từ gạo ST24 bởi hạt cơm ngọt, thơm, dẻo, mềm dù không thay đổi kích thước nhiều sau khi nấu chín.
Sau chuyến đi ấy, HTX Giảm nghèo Ea Súp đã triển khai canh tác 2,5 ha lúa ST24 theo hướng hữu cơ và liên kết với HTX Nông nghiệp dịch vụ Thành Công (huyện Ea Súp) trồng 25 ha lúa ST24 theo quy trình thông thường trong vụ đông xuân 2019 - 2020. Năng suất thử nghiệm lúa ST24 trồng theo quy trình thông thường tại cánh đồng xã Ya Tờ Mốt không thua kém các giống lúa lai khác, đạt trên 7,5 tấn lúa khô/ha. Với mô hình canh tác hữu cơ, lúa ST24 thích ứng và sinh trưởng tốt, không phát sinh sâu bệnh hại và mặc dù năng suất chỉ đạt khoảng 75% so với canh tác theo quy trình thông thường, nhưng chất lượng gạo sau khi nấu chín thơm ngon hơn hẳn.
Toàn bộ sản lượng lúa ST24 đều được HTX Giảm nghèo Ea Súp cung ứng cho đối tác ở thị trường các tỉnh, thành phía Bắc và kênh bán hàng riêng của đơn vị. Nhờ đó, HTX đã bao tiêu cho nông dân với giá cao hơn các giống lúa khác cùng thời điểm. Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp cho biết, kết quả đáng mừng trên là tiền đề quan trọng để HTX xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại huyện Ea Súp, tiếp tục mở rộng diện tích canh tác lúa ST24, nhất là lúa canh tác theo quy trình hữu cơ.
Có thể thấy, với nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng gạo, tính thích ứng cùng khả năng chống chịu sâu bệnh cao, lúa ST24 đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt tại những vùng chuyên canh lúa nước trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội "vàng" để các HTX nông nghiệp vùng lúa đầu tư nâng cao giá trị, xây dựng uy tín, thương hiệu để nắm bắt nhu cầu lúa gạo chất lượng cao của thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng hiện nay.
Năm 2019 đã ghi nhận dấu ấn đặc biệt cho ngành lúa gạo Việt Nam với sự kiện hai loại gạo ST24, ST25 lọt top đầu tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 và gạo ST25 được vinh danh là “Gạo ngon nhất thế giới”. Cả hai giống lúa đều do Anh hùng lao động Hồ Quang Cua cùng nhóm cộng sự nghiên cứu, lai tạo. |
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc