Multimedia Đọc Báo in

Bỏ phố về quê, khởi nghiệp nuôi dê lấy sữa

09:25, 28/06/2020

Từng làm chủ một doanh nghiệp start-up về viễn thông tại TP. Hồ Chí Minh, đã có chi nhánh tại một số nước Đông Nam Á, thế nhưng cách đây hai năm, anh Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1984, quê ở Quảng Trị) đã quyết định chuyển hướng, về Đắk Lắk đầu tư nuôi dê lấy sữa.

Bước sang một lĩnh vực mới, anh Hải phải tự mày mò, tìm hiểu từ dê giống, quy trình kỹ thuật, chăm sóc thú y… Anh xin học việc tại các trang trại nuôi dê ở Tiền Giang, Lâm Đồng rồi về quê vợ ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) mua đất lập nghiệp. Anh phải bỏ ra gần 1 năm ròng để tự tay xây dựng hạ tầng, chuồng trại, trồng cỏ voi trên 1 ha đất vừa mua. Làm nông vất vả, trong khi gia đình không ủng hộ mà vẫn thuyết phục anh theo đuổi sự nghiệp viễn thông đúng với ngành đã học, anh Hải từng chịu áp lực đến mức gần như “ở ẩn”, không dám tham gia mạng xã hội để có thể an định với mục tiêu mình đặt ra.

Anh Nguyễn Văn Hải  khai thác  sữa dê  vào mỗi  buổi sáng trong ngày.
Anh Nguyễn Văn Hải khai thác sữa dê vào mỗi buổi sáng trong ngày.

Do chưa có kinh nghiệm về chăm sóc, những lứa dê đầu tiên bị ốm, chết khá nhiều, tỷ lệ hao hụt dê con lên đến 30%, tỷ lệ cho sữa đạt thấp. Anh lại tự mày mò giáo trình hướng dẫn từ các trường đại học có uy tín, tham gia hội nhóm chăn nuôi để tham khảo cách thức xử lý. Bên cạnh việc mua dê giống chuyên sữa như Saanen, Nubian, anh còn tự lai tạo thêm với dòng dê Bách Thảo nhằm tăng dần tính thích nghi. Anh cũng ứng dụng đệm lót sinh học, tạo môi trường nuôi thông thoáng, chú trọng các giải pháp phòng bệnh, tiêm vắc xin định kỳ, nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho đàn dê. Đến tháng 9-2019, anh bắt đầu cung cấp sản phẩm sữa dê cho thị trường, với sản lượng mới chỉ đạt từ 1 - 2 lít/ngày.

Hiện đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên 80 con, với bình quân gần 20 con cái đang khai thác sữa, sản lượng đạt trên 10 lít/ngày. Sữa dê sau khi vắt xong được đưa ngay vào máy thanh trùng, làm lạnh để đảm bảo dinh dưỡng. Sản phẩm Sữa dê thanh trùng Ban Mê do trang trại sản xuất đã được anh Hải đưa đi kiểm nghiệm và đạt các tiêu chí: không có dư lượng thuốc trừ sâu, không có dư lượng kháng sinh, không độc tố vi nấm, không chứa kim loại nặng. Sản phẩm được vợ chồng anh trực tiếp đóng gói, giao đến tận tay khách hàng và các đầu mối tiêu thụ trong ngày.

Thanh trùng sữa dê tươi bằng máy trước khi đóng chai.
Thanh trùng sữa dê tươi bằng máy trước khi đóng chai.

Sản phẩm Sữa dê Ban Mê hiện đã có mặt tại 4 cửa hàng thực phẩm sạch ở TP. Buôn Ma Thuột và một số đại lý ở Đà Nẵng, Quảng Trị, Bình Dương… với giá thành sữa dê thanh trùng đến tay người tiêu dùng là 100.000 đồng/lít. Anh Hải cũng đang liên kết với Công ty Thương mại điện tử FoodMart để phát triển bán hàng trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh và bán hàng lưu động bằng xe tải chuyên dụng tại khu vực chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, tích cực giới thiệu sản phẩm dinh dưỡng mới đến khách hàng địa phương.

Anh Hải tâm sự, những kết quả này chỉ là 10% khởi đầu của lộ trình anh vạch ra với ước mơ xây dựng vùng sản xuất sữa dê lên đến hàng chục héc-ta, quy mô trên 1.000 con. Trước mắt, anh tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ, nghiên cứu thêm các sản phẩm mới như sữa chua, bánh plan… và tích cực xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Anh cũng tìm thêm các bạn trẻ có cùng đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực nuôi dê lấy sữa, tạo điều kiện thực tập ngay tại trang trại để xây dựng một chuỗi cung ứng ổn định, lâu dài với nguồn sữa chất lượng cao cho thị trường.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.