Multimedia Đọc Báo in

EVFTA - đừng để chỉ là "cơ hội"

09:10, 11/06/2020

Ngày 8-6, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA). Đây là bước tiến mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp song phương khi hiệp định có hiệu lực.

Trước đó, sau gần một thập kỷ nỗ lực đàm phán, ngày 12-2-2020, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ EVFTA. Cho đến nay, đây là một thỏa thuận thương mại toàn diện nhất mà EU thông qua với một quốc gia mới nổi và là thỏa thuận tương tự thứ hai của EU với một nước Đông Nam Á. EU là một trong những thị trường có quy mô lớn nhất trên thế giới, với GDP lên đến 18 nghìn tỷ USD. Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. 

Cà phê là một trong những sản phẩm nằm trong
Cà phê là một trong những sản phẩm nằm trong "khung" điều chỉnh của EVFTA.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Rõ ràng, với những cam kết của hai bên về thuế quan, EVFTA đã mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam nói chung, hàng hóa của Đắk Lắk nói riêng xâm nhập vào thị trường rộng lớn này. Những sản phẩm thế mạnh của Đắk Lắk như trái cây các loại, cà phê và sản phẩm từ cà phê, mật ong tự nhiên và sản phẩm từ mật ong, cây dược liệu, ca cao và các chế phẩm từ ca cao, rau quả; cao su và sản phẩm của cao su; gỗ, sản phẩm từ gỗ; giấy, bột giấy… đều nằm trong "khung" điều chỉnh của EVFTA.

Thế nhưng, nhắc đến EU là phải nói đến một trong những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, các quy định đối với sản phẩm nhập khẩu. Không phải cứ có hiệp định thương mại là hàng hóa sẽ bán được tại thị trường này, dù được hưởng mức thuế ưu đãi. Muốn vào được thị trường khó tính như EU, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được quy định khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hoá và chỉ khi sản phẩm đạt chất lượng mới có cơ hội "đặt chân" vào thị trường này.

Trái cây muốn được thị trường EU chấp nhận phải đáp ứng được nhiều quy định khắt khe.
Trái cây muốn được thị trường EU chấp nhận phải đáp ứng được nhiều quy định khắt khe.

Thế nhưng có một thực tế là từ trước đến nay, hàng hóa của Việt Nam khi nhập khẩu vào những thị trường khó tính, trong đó có EU đã gặp nhiều khó khăn do những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… do những thị trường này đặt ra. Do đó, bài toán đặt ra lúc này không còn là tìm cách ứng phó ra sao với hàng rào thuế quan mà phải khẳng định được mình bằng việc vượt qua những quy định về chất lượng sản phẩm. Nếu doanh nghiệp không sớm nghiên cứu, có chiến lược với từng mặt hàng, thị trường thì sẽ khó tận dụng lợi thế, cơ hội mà EVFTA tạo ra. Đó là chưa kể việc giảm thuế suất theo chiều ngược lại sẽ khiến việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại thị trường nội địa gặp khó khăn do sức ép cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu từ EU không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.