Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả kinh tế cao từ trồng xen canh

08:39, 04/06/2020

Năm 1995, gia đình anh Lê Văn Thẩm từ quê hương Quảng Trị vào thôn 1, xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) sinh sống, lập nghiệp.

Thời gian đầu còn nhiều khó khăn, vợ chồng anh đi làm thuê vừa để kiếm sống vừa tích lũy thêm kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi nơi vùng đất mới. Dành dụm được chút vốn, anh Thẩm mua hơn 1 ha đất trồng cà phê. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng cà phê, anh nhận thấy năng suất vườn cây không cao, chi phí phân bón, tưới nước và công chăm sóc bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả thu lại không cao. Trăn trở tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình, anh Thẩm tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về trồng trọt do huyện và xã tổ chức, trực tiếp tìm đến các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao trong và ngoài huyện để học hỏi thêm.

Anh Thẩm chăm sóc cà phê.
Anh Thẩm chăm sóc cà phê.

Năm 2017, anh Thẩm quyết định trồng xen canh cà phê, tiêu và bơ với suy nghĩ nếu có rủi ro thì lấy nguồn thu từ cây này bù cây khác. Hiện tại trên diện tích hơn 4 ha của gia đình, anh đã trồng 2.000 trụ tiêu, 2.000 cây cà phê và các loại cây ăn quả như: bơ booth, sầu riêng, mít Thái. Trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích đất giúp anh tiết kiệm nhiều thời gian coi rẫy bởi anh vừa có thể thăm vườn tiêu, vừa quan sát, theo dõi tình hình cây mít, sầu riêng, bơ và quan trọng là hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh. Hằng năm, thu nhập từ vườn cây mang lại cho gia đình anh từ 500 - 700 triệu đồng. Gia đình anh Thẩm cũng là một trong những hộ tiên phong ở xã Ea Hiao tham gia mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhờ phát triển kinh tế đúng hướng, gia đình anh có thu nhập cao và ổn định; xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm được ô tô và có điều kiện nuôi dạy con cái ăn học. Không chỉ phát triển kinh tế của gia đình mình, anh Thẩm còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho người dân trên địa bàn xã; thậm chí đến tận nhà hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con.

Hoài Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.