Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Phát triển cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao

08:43, 01/06/2020

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Cư M’gar đang phá bỏ dần diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả để tăng thu nhập.

Bà Xa Thị Hữu (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến) có hơn 2,5 ha cà phê nhưng không hiệu quả do cà phê đã già cỗi. Năm 2010, bà quyết định chuyển dần một phần diện tích sang trồng cây ăn quả. Cây cà phê nào già cỗi và trong vườn chỗ nào còn đất trống là bà phá bỏ, trồng xen sầu riêng vào. Bên cạnh đó, vợ chồng bà thường xuyên theo dõi trên báo, đài, tìm mua các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng về tham khảo và chịu khó học hỏi từ bạn bè, các mô hình kinh tế khác.

Nhờ cần mẫn chăm sóc, vườn cây của gia đình bà đã lên xanh tốt. Trong số 300 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê có 100 cây đã cho thu hoạch, với năng suất đạt 1 tạ quả/cây và tiếp tục tăng dần theo từng năm. Nhận thấy đây là hướng đi có tiềm năng kinh tế, vài năm trở lại đây, bà tiếp tục trồng xen bơ booth và mít Changai trong vườn cà phê. Đến nay, trong vườn của bà đã có tổng cộng 300 cây sầu riêng, 300 cây bơ, mít. Bước đầu, vườn cây ăn quả mang về cho gia đình bà Hữu nguồn thu 500 triệu đồng/năm.

Vườn bơ, sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê của bà Xa Thị Hữu (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến)  cho hiệu quả kinh tế cao.
Vườn bơ, sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê của bà Xa Thị Hữu (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến) cho hiệu quả kinh tế cao.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Viện (buôn Kana B, xã Cư M’gar) có gần 7 ha trồng thuần bơ booth, loại cây trồng đã giúp vực dậy kinh tế gia đình anh. Giống bơ này cho năng suất cao, với giá bình quân 60.000 - 70.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 90.000 đồng/kg nên mang lại thu nhập khá. Diện tích trồng thuần bơ booth của anh Viện, bình quân thu hoạch khoảng 8 tấn quả, cho thu nhập hơn 450 triệu đồng mỗi năm.

Trên đây là hai trong số rất nhiều mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Cư M'gar. Theo Phòng NN- PTNT huyện, những năm gần đây, hiệu quả kinh tế thu về từ cây cà phê trên địa bàn đang dần yếu thế do giá cả bấp bênh, diện tích cà phê già cỗi ngày càng nhiều. Đứng trước tình thế đó, nhiều nông dân đã hướng đến đổi mới sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng bằng hình thức trồng xen trong vườn cà phê để tăng thu nhập. Đến nay, toàn huyện có hơn 2.300 ha cây ăn quả, tăng 1.300 ha so với năm 2015. Trong đó, bơ và sầu riêng chiếm diện tích chủ yếu, với 1.200 ha bơ và 900 ha sầu riêng. Cây ăn quả trên địa bàn được trồng nhiều ở các xã như Ea Kpam, Quảng Tiến, Ea Tar, thị trấn Quảng Phú…

Ngoài bơ, sầu riêng, những năm gần đây, huyện Cư M’gar cũng đang phát triển nhanh diện tích cây mít Changai. Tổng diện tích mít toàn huyện hiện có 200 ha. Theo nhiều nông dân, cây mít Changai dễ chăm sóc, tưới đủ nước và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ thì cây sẽ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Quả mít Changai hiện nay rất được thị trường ưa chuộng, được giá, đầu ra thuận lợi.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho hay, khoảng 5 năm trở lại đây, cây ăn quả đã “bén duyên” mạnh với vùng đất này, được nhiều nông dân ưu tiên lựa chọn để chuyển đổi, thay thế cho những cây trồng khác kém hiệu quả kinh tế hơn. Trồng các loại cây ăn quả bước đầu cũng giúp nhiều người khấm khá lên. Chẳng hạn, từ hiệu quả kinh tế mang lại thì cây sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ lực chứ không đơn thuần là loại cây phụ, cây trồng xen nữa. Bởi, nếu chăm sóc tốt và mức giá như hiện nay (khoảng 50.000 đồng/kg), sầu riêng cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Xác định để phát triển bền vững cây ăn quả theo chuỗi giá trị thì phải có sự kết nối trong việc trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ, huyện Cư M’gar đang nỗ lực tìm kiếm, kết nối các nhà máy chế biến rau, củ, quả trong và ngoài tỉnh để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Huyện cũng đang tính đến việc hình thành vựa thu mua và đóng gói trái cây trên địa bàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trái cây địa phương. Ở khâu sản xuất, ngành nông nghiệp huyện đang tăng cường hướng dẫn bà con nông dân đăng ký và thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP, xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Trước đó, từ năm 2019, huyện cũng đã thực hiện thí điểm quản lý các cây trồng để kiểm soát chất lượng giống cây trồng đầu vào. Theo đó, đối với 26 cơ sở sản xuất giống cây trồng trên địa bàn đều phải đăng ký số lượng sản xuất, cam kết chịu trách nhiệm chất lượng giống cây trồng do cơ sở mình bán ra cho nông dân.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.