Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Tích cực đưa giống mới vào sản xuất

09:41, 10/06/2020

Huyện Cư M’gar có khoảng 70.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 52.430 ha cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su… Ngoài ra, toàn huyện còn có đàn gia súc, gia cầm với hơn 845.000 con.

Để giúp người dân xây dựng các mô hình giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả, hằng năm ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên triển khai xây dựng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn giống mới trên các vùng đất khác nhau của địa phương, từ đó hướng dẫn bà con đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng địa phương vào sản xuất, thay thế giống cũ. 

Nông dân xã Ea M’nang thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Nông dân xã Ea M’nang thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Tính đến nay, toàn huyện đã có khoảng 99% diện tích ngô, 100% cà phê tái canh và trên 70% diện tích lúa nước sử dụng các loại giống mới, cho năng suất cao… Trong chăn nuôi, bà con đã và đang đưa nhiều loại giống mới vào nuôi, nhất là gia súc. Một số giống vật nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như: thỏ New Zealand, bò lai Sind và bò Brahman, dê bách thảo, dê Boer… Bên cạnh đó, nông dân huyện Cư M’gar còn đầu tư thâm canh, nghiên cứu và áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất, giá trị kinh tế các mô hình chăn nuôi, diện tích canh tác của nông dân đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2015 tổng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích ở địa phương chỉ đạt 73 triệu đồng/ha thì đến nay đã tăng lên 100 triệu đồng/ha...

Xã Ea M’nang là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất ở huyện Cư M’gar, mỗi vụ toàn xã gieo cấy khoảng 170 – 200 ha lúa. Những năm trước đây, đa số nông dân sử dụng những giống lúa truyền thống, diễn biến thời tiết thất thường nên năng suất, sản lượng lúa đạt thấp, thu nhập không cao. Chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống. Vụ đông xuân 2019 - 2020, có khoảng 70% diện tích được bà con gieo trồng các giống lúa mới, trong đó chủ yếu là Thơm rành, 13/2, Nhị ưu 838… Đây là những giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng thích ứng rộng, phù hợp trên nhiều vùng đất và khí hậu của địa phương…

Nông dân xã Ea M’nang cải tạo đàn dê bằng phương pháp cho lai giống dê lai Boer.
Nông dân xã Ea M’nang cải tạo đàn dê bằng phương pháp cho lai giống dê lai Boer.

Nhờ chủ động đổi mới giống lúa, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên những năm gần đây năng suất, sản lượng lúa ở xã Ea M’nang luôn nằm trong “top” đầu của huyện. Đến nay, toàn xã đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa nước vụ đông xuân 2019 - 2020, năng suất đạt bình quân 70 tạ/ha, cao hơn rất nhiều so với trước đây. Ông Nguyễn Minh Cảnh, cán bộ nông nghiệp xã Ea M’nang cho biết: “Năng suất lúa đã tăng thêm 10 - 15 tạ/ha, cao hơn các địa phương khác trong huyện từ 1-9 tạ/ha”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.