Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu phát triển chăn nuôi đại gia súc

07:53, 03/06/2020

Những năm gần đây, khi diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, nguồn thức ăn khan hiếm thì số lượng đàn trâu, bò, dê ở các xã vùng sâu Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao của huyện Krông Bông giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn nỗ lực duy trì và phát triển đàn gia súc nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Buôn Tul (xã Yang Mao) có 96 hộ đồng bào M’nông thì có trên 80% hộ chăn nuôi gia súc. Khi các bãi cỏ tự nhiên ở đây bị thu hẹp, các hộ đã chuyển sang trồng cỏ, thu gom, tích trữ rơm, cây ngô để duy trì đàn gia súc, bởi hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi mang lại khá cao. 

Ông Ama Ngơn ở buôn Tul (xã Yang Mao) thu gom rơm để tích trữ làm thức ăn cho đàn trâu, bò.
Ông Ama Ngơn ở buôn Tul (xã Yang Mao) thu gom rơm để tích trữ làm thức ăn cho đàn trâu, bò.

Như gia đình chị H’Lê Na Rchăm có bãi chăn thả và có đất trồng cỏ nên nuôi hơn 10 con bò, hằng năm thu nhập hơn 70 triệu đồng từ bán bò. Hay Amí Lem tuy đã trên 60 tuổi nhưng hằng ngày vẫn chăn thả 5 con bò và 5 con dê. Bà vừa tranh thủ chăn thả, vừa đi xin rơm phơi khô tích trữ phòng khi khan hiếm thức ăn. Mỗi năm Amí Lem có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng từ bán bò, dê. 

Gia đình Ama Ngơn chủ động được nguồn thức ăn nhờ trồng cỏ, thu gom rơm khô và chịu khó đi chăn thả nên đã duy trì nuôi đàn trâu, bò, dê hơn 10 năm nay. Hiện nay gia đình ông đang nuôi 6 con trâu, 4 con bò và 5 con dê sinh sản; bình quân mỗi năm xuất bán từ 4 - 7 con gia súc, thu về từ 50 - 70 triệu đồng. 

Ông Y Nguyệt M’drang, Bí thư Chi bộ buôn Tul cho biết: “Do hiệu quả kinh tế cao từ chăn nuôi gia súc mang lại nên nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu, bò, dê. Những hộ không có vốn thì nuôi “rẽ” cho những hộ khác. Bà con cũng chủ động hơn trong việc bảo đảm thức ăn cho gia súc như: trồng cỏ ven suối, dưới tán rừng và tích trữ rơm khô. Hiện nay, đàn trâu, bò, dê của buôn Tul là gần 200 con”.

Nhiều hộ đồng bào Êđê ở xã Cư Drăm cũng đang phát triển chăn nuôi gia súc. Người nuôi nhiều trâu, bò, dê nhất ở buôn Chàm A (xã Cư Drăm) hiện nay phải nói đến gia đình Ama Khoát. Do có hơn 3 sào đất ngay sát suối để trồng cỏ và biết tận dụng rơm, thân cây ngô làm thức ăn cho gia súc nên dù vào mùa khô – mùa khan hiếm thức ăn nhưng gia đình ông vẫn duy trì nuôi 10 con trâu, 11 con bò và 10 con dê. Thu nhập từ chăn nuôi mỗi năm mang lại cho gia đình Ama Khoát khoảng 100 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Mấy năm gần đây, lợi nhuận của chăn nuôi hơn hẳn trồng các loại cây như: ngô lai, sắn, cà phê. Năm 2019, chỉ riêng tiền bán 2 con trâu đực gia đình tôi cũng thu hơn 80 triệu đồng”.

Amí Lem ở buôn Tul (xã Yang Mao) mỗi năm có thu nhập hàng chục triệu đồng từ chăn nuôi.
Amí Lem ở buôn Tul (xã Yang Mao) mỗi năm có thu nhập hàng chục triệu đồng từ chăn nuôi.

Xã Cư Pui cũng đang khuyến khích các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển đàn gia súc. UBND xã đã tổ chức cho các hộ dân tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng hiệu quả ở xã Hòa Sơn; hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ; nhân rộng một số mô hình chăn nuôi bò thả, bò nhốt chuồng tại địa phương; thành lập ngân hàng bò từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm ở thôn Ea Rớt...

Ngoài ra, xã Cư Pui còn mạnh dạn giao cho các hộ dân tự chọn nhà cung cấp khi được Nhà nước hỗ trợ bò giống rồi thỏa thuận chọn bò để nuôi. Khi được giao tự mua, các hộ đều phải làm cam kết không mua bò dưới mức giá được Nhà nước hỗ trợ. Cách làm này được người dân rất đồng tình vì tính công khai, minh bạch lại khuyến khích được nhiều hộ bỏ thêm tiền để chọn mua những con bò giống đẹp, khỏe về nuôi.

Ông Ma Seo Lùng (dân tộc Hmông) ở thôn Ea Lang luôn có trong chuồng từ 20 con trâu, bò trở lên. Ông đã mạnh dạn đầu tư kéo điện, khoan giếng, trồng cỏ để chăn nuôi; lợi nhuận từ tiền bán bò trên 100 triệu đồng mỗi năm. Hay ở thôn Ea Rớt trước đây chỉ có vài chục con trâu, bò, đến nay nhờ được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện, đồng bào Hmông trong thôn đã phát triển đàn trâu, bò, dê lên đến gần 200 con. Đặc biệt là “ngân hàng bò” với hơn 50 con từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm cho người dân thôn Ea Rớt đã phát huy hiệu quả rõ rệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân trong thôn thoát nghèo.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.