Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế đồi - rừng

14:45, 12/06/2020

Trong những năm qua, nhiều nông dân ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông là Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao đã chủ động chuyển đổi từ cây hồ tiêu sang trồng các loại cây ăn trái và trồng rừng trên diện tích đất đồi dốc… Bước đầu, những mô hình kinh tế đồi – rừng này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Thu tiền tỷ từ dứa đồi

Cây dứa đồi hiện đang là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở xã Cư Drăm với hàng chục hộ có thu nhập từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (thôn 1) trước đây cuộc sống rất khó khăn vì thiếu đất canh tác. Năm 2015, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư làm đường, khai hoang diện tích đất đồi cao, độ dốc lớn để trồng dứa đồi. Từ những đồi dốc với toàn lồ ô, lau sậy, cỏ dại mọc, bỏ hoang hóa, gia đình anh Hùng đã biến chúng thành vùng dứa đồi bạt ngàn với diện tích lên đến 20 ha, trong đó 15 ha đang vào thời kỳ thu hoạch chính. Giá dứa cao, ổn định mang lại cho gia đình anh Hùng nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 1, xã Cư Drăm có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng dứa đồi.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 1, xã Cư Drăm có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng dứa đồi.

Hay như gia đình anh Trần Văn Thắm (ở thôn 2) cũng đã quyết tâm cải tạo vùng đất đồi dốc để trồng dứa đồi và trồng rừng. Trong vòng 10 năm, gia đình anh vừa khai hoang, vừa thu mua lại diện tích đất của người dân canh tác kém hiệu quả, tận dụng diện tích đất đồi dốc bỏ hoang lâu năm để trồng gần 40 ha dứa và keo lá tràm. Hiện 10 ha dứa kinh doanh cho thu nhập mỗi năm từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng; 7 ha cây keo lá tràm đã khai thác năm 2019, thu về hơn 700 triệu đồng; hơn 10 ha cây keo trồng năm 2015 đang chuẩn bị cho khai thác. Khai thác gỗ keo đến đâu, anh trồng lại cây mới đến đó. Không chỉ mang lại thu nhập khá cho gia đình, anh Thắm còn tạo việc làm cho gần chục lao động trong thôn. Anh Thắm chia sẻ: “Trồng dứa đồi, trồng keo lai, keo lá tràm không cần nhiều vốn, không cần đất màu mỡ. Quan trọng nhất trong trồng rừng là làm tốt công tác phòng cháy rừng mùa khô”.

Phát triển mạnh kinh tế rừng

Không chỉ trồng dứa đồi, người dân xã Cư Drăm cũng đang phát triển mạnh kinh tế rừng. Hiện nay, hàng trăm hộ đồng bào Hmông ở 6 thôn của xã Cư Drăm đang tiến hành trồng keo. Một số diện tích keo đã được người dân khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Điển hình về phát triển kinh tế đồi - rừng ở thôn Cư Dhắt có gia đình ông Ma Văn Hà (dân tộc Hmông) với diện tích hơn 10 ha keo lai. Vừa qua gia đình ông Hà đã khai thác 6 ha keo, thu về từ 60 - 80 triệu đồng/ha. Ông Ma A Sà, Trưởng thôn Cư Dhắt cho biết: “Thôn hiện có 196 hộ. Thấy phát triển kinh tế từ trồng rừng thuận lợi vì giá cao, đầu ra ổn định nên rất nhiều hộ trong thôn đã tận dụng diện tích đất đồi dốc của gia đình để trồng keo. Hộ ít thì dăm bảy sào, hộ nhiều lên đến hơn 10 ha. Một số hộ còn mạnh dạn phá bỏ cà phê, sắn kém hiệu quả do đất xấu, thiếu nước tưới để chuyển sang trồng keo lai”.

Vườn keo năm thứ ba của anh Y Róa ở buôn Tul, xã Yang Mao.
Vườn keo năm thứ ba của anh Y Róa ở buôn Tul, xã Yang Mao.

Trồng rừng trên đất đồi dốc cũng là hướng phát triển kinh tế được nhiều người dân xã Yang Mao chọn lựa và đã cho thấy đây là hướng đi đúng. Anh Y Róa Byă (dân tộc M’nông) ở buôn Tul là người tiên phong trong trồng rừng ở xã. Năm 2012, được dự án hỗ trợ 11 triệu đồng, anh Y Róa đăng ký trồng hơn 1 ha rừng keo từ diện tích đất dốc của gia đình. Sau 5 năm, diện tích rừng của anh đã cho khai thác. Thấy trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng mới hơn 4 ha cây keo lai. Đến nay, rừng keo của anh đã bước sang năm thứ ba.

Ngoài ra, anh Y Róa còn nuôi 6 con bò dưới tán rừng. Anh Y Róa cho biết, sau khi khai thác lứa keo này, anh sẽ tiếp tục trồng lại lứa keo khác, mở rộng diện tích thêm khoảng 2 ha đất dốc còn lại và trồng xen khoảng vài trăm cây sao đen vào vườn keo lai. Theo anh, trồng rừng là hướng đi hiệu quả đối với những hộ có nhiều diện tích đất đồi dốc như gia đình anh. Trồng keo đơn giản, ít đầu tư, tốn ít công chăm sóc mà lại cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng sắn. Học theo anh Y Róa, một số hộ dân buôn Tul lâu nay bỏ đất không cũng đang dự định đầu tư trồng rừng.

Xã Cư Pui có hàng nghìn héc-ta đất đồi dốc nghèo. Trước đây, một phần diện tích được Công ty MTV Lâm nghiệp Krông Bông trồng bạch đàn, trồng keo; diện tích còn lại đa số người dân trồng các loại cây kém hiệu quả hoặc bỏ hoang hóa. Những năm gần đây, đã có một số hộ dân ở các thôn, buôn trong xã mạnh dạn đầu tư trồng rừng. Hơn 10 ha rừng của các hộ trồng năm 2014 nay đã cho khai thác, đem lại lợi nhuận cao. Thấy được hiệu quả của việc trồng rừng, vừa qua nhiều hộ dân ở Cư Pui đã đăng ký trồng rừng để phát triển kinh tế.

Các xã Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao có gần 10.000 ha đất canh tác; diện tích đất đồi dốc chiếm phần lớn. Có thể thấy, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế đồi - rừng là hướng đi hiệu quả, bền vững, phù hợp với trình độ sản xuất của nhiều hộ dân nơi đây.

Để hướng phát triển kinh tế đồi - rừng phát huy hiệu quả, các cấp ngành, cơ quan chức năng địa phương cần xây dựng quy hoạch; quản lý, hỗ trợ các hộ trồng rừng vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống, kỹ thuật, cải tạo đường đi để thuận lợi cho việc khai thác nhằm nâng cao giá trị và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.