Multimedia Đọc Báo in

Khơi thông vốn đầu tư công: Đâu là nút thắt?

08:17, 08/06/2020

Nhiều năm liền, giải ngân vốn đầu tư công luôn là vấn đề có nhiều vướng mắc, khó khơi thông và trở thành lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu và chậm giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án...

Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành thì việc giải ngân vốn đầu tư công lại tăng mạnh. Sở dĩ có được điều đó, bên cạnh tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trở lại trạng thái bình thường, các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì phải kể đến sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề này.

Thi công đường ống phục vụ dự án cấp nước TP. Buôn Ma Thuột
Thi công đường ống phục vụ Dự án cấp nước TP. Buôn Ma Thuột. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương, của từng bộ, ngành, cơ quan và xem đây là giải pháp để vực dậy nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình và xem kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi.

Mặc dù tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2020 của cả nước đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng nếu bóc tách cụ thể thì tốc độ giải ngân vốn do Trung ương quản lý tăng đến 41,1%, trong khi vốn địa phương quản lý chỉ tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh cũng đã thường xuyên tổ chức những cuộc họp bàn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo UBND tỉnh cũng có những chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Thế nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Được biết, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 đã giao hơn 5.371 tỷ đồng, đã giải ngân được 14,7%; vốn năm 2019 chuyển sang hơn 691 tỷ đồng, đã giải ngân 12,3%. Nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải cho kết quả giải ngân của tỉnh thấp. Đáng chú ý là tồn tại rất nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ khâu tổ chức thực hiện như: chậm trễ trong thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp, giải phóng mặt bằng; một số dự án chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư; nhiều dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ gặp vướng mắc thủ tục phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế dự toán xây dựng công trình…

Rõ ràng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực tháo gỡ khó khăn của tỉnh, vấn đề mấu chốt còn lại nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc