Liên kết sản xuất cây nhàu: Khổ vì thỏa thuận... miệng!
Thời gian qua, không ít nông dân trên địa bàn huyện Krông Bông thỏa thuận với doanh nghiệp để trồng và bao tiêu sản phẩm cây nhàu.
Điều đáng nói là việc thỏa thuận này thường là thỏa thuận... miệng, không ký kết hợp đồng sản xuất dẫn đến tình trạng nhiều nông dân không biết kêu ai khi doanh nghiệp “phủi trách nhiệm”, không bao tiêu sản phẩm như đã cam kết.
Vừa qua, có 4 hộ dân trên địa bàn xã Hòa Phong được một doanh nghiệp ở Ea Kar thỏa thuận hỗ trợ 100% cây giống để trồng trên 11 ha cây nhàu và cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 7.000 đồng/kg tươi; quả nhàu phơi khô thì sẽ thu mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, sau hai năm trồng, hầu hết diện tích nhàu của các hộ dân trên phần thì bị chết do không có nước tưới, phần bị phá bỏ chuyển sang cây trồng khác, hiện chỉ còn 50% diện tích, quả nhàu thu hoạch không được doanh nghiệp thu mua như đã cam kết. Bị thiệt thòi nhưng nông dân không biết kêu ai vì toàn bộ cam kết hỗ trợ với doanh nghiệp đều chỉ là thỏa thuận… miệng!
Diện tích 3 ha nhàu của gia đình ông Phạm Mạnh Hùng giờ chỉ còn lác đác vài cây. |
Sau cơn bão số 12 cuối năm 2017, gia đình ông Phạm Mạnh Hùng (dân tộc Tày, ở buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) bị mất trắng toàn bộ vườn tiêu xen cà phê. Trong tình cảnh ấy, ông được đại diện một doanh nghiệp tư nhân ở Ea Kar thỏa thuận đầu tư 3.000 cây nhàu giống để trồng, khi thu hoạch sẽ thu mua theo giá thị trường. Tin tưởng lời hứa nên ông Hùng không ký kết hợp đồng ràng buộc nào với doanh nghiệp. Sau gần 2 năm trồng cây nhàu, do không có vốn mua nhiên liệu tưới, vườn nhàu của gia đình ông Hùng chỉ sống được 1/3 so với ban đầu, số quả thu hoạch được thì doanh nghiệp không thu mua nên ông đành mang phơi khô chờ bán bên ngoài… Số diện tích nhàu bị chết, ông phải trồng xen sắn để mong có thêm thu nhập.
Gia đình ông Huỳnh Văn Hùng (ở thôn 1, xã Hòa Phong) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Được đại diện doanh nghiệp nói trên dẫn đến tham quan nhà máy sơ chế nhàu ở huyện Krông Pắc, ông Hùng rất tin về hướng đi trong tương lai của loại cây dược liệu này. Vì thế, ông quyết định cày bừa, làm đất, nhận giống về trồng trên diện tích 3 ha. Ông Hùng cũng đã đề nghị đại diện doanh nghiệp làm hợp đồng theo những khoản đã trao đổi bằng miệng, song người này cứ lần lữa mãi và không đồng ý ký hợp đồng với nhiều lý do bất lợi cho người sản xuất. Do không có máy móc, phương tiện để tưới, phần lớn diện tích cây nhàu không phát triển, không còn hy vọng gì nên đầu năm 2020 ông Hùng buộc phải phá bỏ toàn bộ 3 ha nhàu để trồng sắn. Gần 2 năm trời “dây dưa” với loại cây này, gia đình ông không có nguồn thu nhập.
Cuối năm 2018, sau khi thỏa thuận miệng với đối tác, gia đình ông Bùi Văn Hiệp (thôn 2) mạnh dạn chuyển đổi 4 ha đất triền đồi sang trồng cây nhàu, đồng thời trồng thêm nhàu trên diện tích 2.500 m2 đất thấp gần nguồn nước tưới để so sánh kiểm chứng. Những diện tích tưới đủ nước thì tỷ lệ cây sống 100% và phát triển xanh tốt, còn 4 ha không có nhiên liệu tưới lần lượt khô héo. Gia đình ông Hiệp đang thấp thỏm lo âu, vì doanh nghiệp có biểu hiện “bỏ rơi” không thực hiện cam kết, sản phẩm đến tuổi thu hoạch lại chín không đồng loạt, nếu bán ra ngoài thì giá chỉ còn 5.000 đồng/kg tươi.
Được biết, cây nhàu là loại cây dược liệu có rất nhiều axit amin, caroten, vitamin C… Quả nhàu có thể dùng chế biến thành thức uống hằng ngày như một loại trà, có tác dụng trị nhức mỏi xương khớp, nhuận tràng, trị tăng huyết áp... Với ưu thế là thời gian sinh trưởng ngắn, thu được nhiều lần trong năm, theo tính toán mỗi sào nhàu sẽ có lãi gần 100 triệu đồng/năm, vì thế hứa hẹn đây là một loại cây “xóa đói giảm nghèo” cho nông dân. Tuy nhiên, do chưa nắm đầy đủ đặc tính của cây nhàu là loại cây thuộc họ cà phê rất cần tưới đủ nước, trong khi đó 2 năm qua ở địa phương liên tiếp xảy ra hạn hán kéo dài, phía doanh nghiệp lại không đáp ứng yêu cầu hỗ trợ kinh phí để mua nhiên liệu tưới, không thu mua sản phẩm với lý do tỷ lệ cây sống quá thấp, sản phẩm thu hoạch không đồng loạt khiến những hộ trồng nhàu đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Thiết nghĩ, việc tìm tòi, thử nghiệm các giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn là cần thiết song bà con nông dân cần nghiên cứu thật kỹ, khi liên kết trồng một loại cây trồng mới phải có hợp đồng giao dịch rõ ràng, được đối tác hướng dẫn, tư vấn đầy đủ quy trình kỹ thuật để tránh rơi vào tình trạng “thiệt đơn, thiệt kép”. Chính quyền địa phương cần theo dõi, quản lý sát sao và có khuyến cáo kịp thời với nông dân, giúp bà con tránh nguy cơ rủi ro khi sản xuất tự phát.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc