Lợi ích từ lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà
Khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng có khí hậu gồm hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
Trong đó, mùa khô có tổng số giờ nắng trong năm đạt khoảng 2.000 - 2.600 giờ, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4,9 - 5,7 kWh/m2/ngày. Đây là thế mạnh rất lớn để phát triển điện mặt trời. Đặc biệt, các huyện như Ea Súp, Cư M’gar, Buôn Đôn… có bức xạ và số giờ nắng trong năm cao hơn các địa phương khác. Tính đến ngày 15-5-2020, trên địa bàn tỉnh đã có 646 khách hàng lắp đặt hệ thống này với tổng công suất gần 42.000 kWp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu đãi về giá điện mặt trời. Ngày 6-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13) có hiệu lực từ ngày 22-5-2020 (thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30-6-2019) tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trước đó. Chính sách này cũng giúp các khách hàng muốn lắp đặt mới không còn “thấp thỏm” về giá điện mặt trời mái nhà.
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đắk Lắk đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà phục vụ hoạt động kinh doanh. |
Có thể nói, việc phát triển điện mặt trời mái nhà có hiệu quả kinh tế rất lớn. Theo đó, về phía hộ gia đình, điện mặt trời là giải pháp tiết kiệm tiền điện mỗi tháng và tạo thu nhập thụ động nhờ bán điện dư. Với những hộ có mức tiêu thụ điện thấp và trung bình, hệ thống điện mặt trời hòa lưới trên mái nhà có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện sử dụng. Theo đó, giá điện sinh hoạt bậc thang ở giai đoạn hiện tại có 6 bậc, mức 1 (cho lượng điện sử dụng từ 0 - 50 kWh) có giá 1.678 đồng và tăng tiếp ở các bậc tiếp theo cho đến mức 6 là 2.927 đồng (tương ứng với mức tiêu thụ trên 400 kWh). Do đó, nếu đầu tư để sản xuất điện dùng trong sinh hoạt hằng ngày, khách hàng sẽ được sử dụng điện “giá rẻ” (thông thường sản lượng sẽ thấp hơn giá ở bậc 3), phần điện dư sẽ được bán lại cho ngành điện với giá 8,38 UScent/kWh (khoảng 1.943 đồng/kWh), tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Còn đối với các doanh nghiệp, việc tận dụng nguồn năng lượng sạch vô tận từ ánh nắng mặt trời cũng tạo điện năng phục vụ hoạt động sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và tăng doanh thu nhờ bán điện dư cho ngành điện. Trong khi đó, việc sử dụng sẵn mái nhà làm việc hay nhà xưởng hiện có và nhàn rỗi không phát sinh bất cứ chi phí nào. Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời trên mái nhà còn giúp bảo vệ, tăng tuổi thọ cho mái và giảm nhiệt. Doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí làm mát (thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí vận hành hệ thống điều hòa không khí), nâng cao năng suất lao động và nhiều lợi nhuận khác.
Thời gian qua, nhận thấy tiềm năng lớn của địa phương và điện mặt trời mái nhà đang được Nhà nước khuyến khích phát triển, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã tạo điều kiện tối đa cho các khách hàng muốn đăng ký lắp đặt hệ thống. Đơn vị chủ động hỗ trợ khách hàng các khâu khảo sát, thiết kế, lắp đặt hệ thống đo đếm hai chiều cũng như triển khai trả tiền điện phát lên lưới từ hệ thống điện mặt trời theo đúng quy định. Tính đến nay, các khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà trước ngày 30-6-2019 đã được chi trả hơn 16,2 tỷ đồng tiền điện. Số đấu nối sau thời điểm này sẽ được áp dụng giá mới theo Quyết định 13 và sẽ nhận tiền điện theo hướng dẫn trong thời gian tới.
Quang Hưng
Ý kiến bạn đọc