Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình nông dân

09:38, 10/06/2020

Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều hội viên nông dân ở thị xã Buôn Hồ không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế mà còn giúp đỡ nhiều hội viên khó khăn cùng vươn lên trong cuộc sống.

Phát huy tính cần cù lao động, sáng tạo trong sản xuất, những năm qua, nông dân thị xã Buôn Hồ đã kịp thời nắm bắt các kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp hội nông dân đã phát triển, mở rộng nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, góp phần nâng cao đời sống.

Nông dân phường An Bình (TX. Buôn Hồ) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn trái.
Nông dân phường An Bình (TX. Buôn Hồ) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn trái.

Điển hình như ông Phạm Tươi (phường An Lạc) không chỉ sản xuất giỏi mà ông còn là tấm gương trong việc giúp đỡ hội viên nông dân gặp khó khăn. Hơn 10 năm gắn bó với nghề ươm và kinh doanh cây giống, bây giờ ông Tươi có một cơ ngơi đầy đủ, khang trang. Trên tổng diện tích 2,5 ha, ông kinh doanh đủ loại cây giống từ sầu riêng, bơ, mít, dừa, điều, mắc ca… vừa phục vụ nhu cầu trồng trọt của bà con nông dân trong tỉnh vừa xuất đi các tỉnh, thành trong nước. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Tươi còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên nông dân khác dưới hình thức hỗ trợ cây giống và bán cây giống, phân bón nợ không tính lãi, đến vụ mùa thu hoạch những hộ dân đó mới phải trả tiền. Được biết, mỗi năm ông bán nợ cho khoảng 50 - 60 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn chuyển giao kỹ thuật, phương pháp trồng để cùng nhau phát triển kinh tế. Không chỉ vậy, ông còn giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động thời vụ và 15 lao động thường xuyên với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài việc tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, trong năm 2019, trên địa bàn thị xã Buôn Hồ có 32 hộ đứng ra giúp đỡ, hỗ trợ 17 hộ nông dân nghèo với số tiền 63 triệu đồng đề đầu tư phát triển kinh tế.

Trong khi đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thị xã đã được duy trì, phát triển, trong đó tập trung theo hướng liên kết, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, sức cạnh trạnh và ổn định đầu ra cho hội viên nông dân. Đơn cử như việc tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất – dịch vụ nông nghiệp Dũng Lộc (xã Ea Drông), các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn xã đã mạnh dạn phát triển đàn từ một vài con ban đầu lên hàng chục con mỗi hộ. Hơn thế, việc liên kết các hội viên nông dân đã giúp bao tiêu và tăng sức cạnh tranh của dê thịt trên thị trường, từ đó hội viên có nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình. Ông Hồ Duy Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Drông chia sẻ, năm 2017 tổ hợp tác thành lập chỉ có 6 tổ viên, đến nay đã thu hút được 15 hộ dân tham gia liên kết chăn nuôi dê sinh sản, hầu hết các hộ đều có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình này. Hiện nay, Hội Nông dân thị xã đang trực tiếp quản lý 4 mô hình HTX và 3 tổ hợp tác.

Ông Phạm Tươi trao đổi kinh nghiệm sản xuất với cán bộ Hội Nông dân phường An Lạc.
Ông Phạm Tươi trao đổi kinh nghiệm sản xuất với cán bộ Hội Nông dân phường An Lạc.

Ông Trương Đình Ry, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ cho rằng, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Đặc biệt, nhằm giúp đỡ hội viên có nguồn lực phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo hiệu quả, bền vững, Hội Nông dân thị xã và các địa phương đã phối hợp, huy động nguồn vốn hỗ trợ hàng trăm hộ dân vay để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật như nuôi bò, dê, gà, cá và trồng rau, nấm, thâm canh lúa lai…, qua đó tạo được sự chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của hội viên và bà con nông dân.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.