Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui của nông dân huyện Krông Bông

07:56, 05/06/2020

Vụ đông xuân 2019 - 2020, huyện Krông Bông gieo sạ được 3.700 ha lúa nước (vượt kế hoạch 431 ha). Vụ này nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện được mùa, được giá lúa nên bà con rất phấn khởi.

Xác định lúa đông xuân là vụ chính trong năm, ngay từ đầu vụ, nhiều địa phương đã khuyến cáo nông dân không gieo sạ trên những chân ruộng không đảm bảo nước tưới; vận động nông dân sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và tổ hợp tác dùng nước thường xuyên gia cố, sửa chữa hệ thống thủy lợi, xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý, đối với những diện tích không chủ động được nguồn nước phải sử dụng tiết kiệm.

Nông dân thôn 5 (xã Hòa Phong) thu hoạch lúa vụ đông xuân 2019 - 2020.
Nông dân thôn 5 (xã Hòa Phong) thu hoạch lúa vụ đông xuân 2019 - 2020.

Vụ đông xuân 2019 – 2020, nông dân xã Yang Reh (huyện Krông Bông) đã mạnh dạn liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty) đưa vào gieo sạ thí điểm 50 ha lúa giống ST24 - giống lúa xuất khẩu có năng suất và chất lượng cao. Do sử dụng tiết kiệm nguồn nước và đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa ST24 đạt bình quân 12 tấn/ha, cao hơn các loại giống thường từ 3 - 4 tấn/ha. Ông Nguyễn Văn Lơn, nông dân ở thôn 1 (xã Yang Reh) cho biết: Vụ này gia đình ông gieo sạ 3.000 m2 lúa giống ST24, kết quả thu được 3,6 tấn, giá bao tiêu 7.000 đồng/kg, cao hơn loại giống khác 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, mỗi héc-ta chỉ sử dụng 150 kg giống, so với các loại giống khác giảm được 50 kg/ha nên gia đình ông đã thu về được khoản thu nhập khá.

Xã Hòa Phong năm nay gieo sạ được trên 300 ha lúa nước; trong đó gần 140 ha có hệ thống thủy lợi tưới tiêu, số diện tích còn lại chủ yếu sử dụng nước ở các hồ chứa. Được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng 2 đập kiên cố và bê tông hóa hệ thống kênh mương, ổn định tưới tiêu nên năng suất lúa ở xã Hòa Phong năm nay đạt bình quân 7,5 tấn/ha, so với cùng kỳ tăng 1 tấn/ ha và cao hơn bình quân chung của huyện 1,5 tấn/ha. Giá lúa cũng cao hơn vụ trước nên nhiều nông dân có lãi.

Như gia đình ông Y Bê Byă (ở buôn Tliêr, xã Hòa Phong) có 6.000 m2 lúa nước được cải tạo từ đất trồng màu ở khu vực bàu Đỉa. Trước đây, hằng năm ông phải dùng máy bơm lấy nước từ các hồ chứa để tưới, năng suất thường đạt từ 4 - 5 tạ/sào. Năm nay ông Y Bê đã đầu tư 13 triệu đồng khoan giếng để lấy nước tưới định kỳ 7 ngày/lần, đồng thời chuyển đổi sang gieo sạ giống BRT và ML48 nên năng suất, sản lượng cao hơn hẳn. Vụ đông xuân này, cũng trên diện tích đó ông đã thu hoạch được gần 6 tấn lúa, với giá bán đầu mùa tại ruộng 7.600 đồng/kg, ông thu về trên 40 triệu đồng. Hay gia đình ông Lữ Anh Tuấn (ở thôn 6, xã Hòa Phong) trước đây chỉ gieo sạ 1,3 ha lúa, do nguồn nước bấp bênh, năng suất lúa những năm đạt cao nhất cũng chỉ ở mức 7 tấn/ha. Từ khi Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng kiên cố công trình thủy lợi Sơn Phong, gia đình ông Tuấn đã mạnh dạn cải tạo 7.000 m2 đất trồng màu sang làm lúa nước, nhờ có nguồn nước tưới ổn định nên năng suất lúa đạt gần 10 tấn/ha. Cùng sản xuất chung trên một cánh đồng với gia đình ông Tuấn, gia đình ông Phạm Tàu (ở thôn 6) cũng đã có 3 năm liên tiếp được mùa. Năm nay gia đình ông Tàu gieo sạ 2 ha lúa giống 13-2, thu hoạch gần 20 tấn. Với giá bán lúa thương phẩm 6.000 đồng/kg, cao hơn vụ trước 500 đồng/ kg, gia đình ông thu được 120 triệu đồng.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.