Phát triển du lịch thời "hậu Covid-19": Kích cầu thôi chưa đủ
Mặc dù Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19, nhưng thế giới vẫn đang phải chật vật chống lại dịch bệnh nguy hiểm này nên nguy cơ dịch tràn vào trong nước vẫn rất lớn. Và như vậy, Việt Nam cũng chưa thể mở rộng thị trường và đón khách du lịch vào.
Trong bối cảnh đó, phát huy sức mạnh thị trường nội địa trở thành điểm tựa cho tăng trưởng nói chung, tăng trưởng du lịch nói riêng. Với thị trường quy mô trên 90 triệu dân, nếu phát huy và khai thác tốt, du lịch nội địa hoàn toàn là giải pháp “cứu” ngành công nghiệp không khói trong thời điểm này.
Trên phạm vi cả nước, ngành Du lịch đã phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và ở mỗi địa phương đều có chương trình hưởng ứng riêng, phù hợp với đặc thù của mình. Mới đây tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" với trọng tâm là Chương trình “Kích cầu du lịch Đắk Lắk”. Chương trình kích cầu du lịch Đắk Lắk không chỉ là xúc tiến, quảng bá điểm đến Đắk Lắk an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch của tỉnh vực dậy thời “hậu Covid-19”.
Lễ hội đua voi - một sản phẩm du lịch đặc thù chỉ có ở Đắk Lắk . |
Theo thông tin từ lễ phát động này, để hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch Đắk Lắk, đã có 29 doanh nghiệp đăng ký giảm giá trung bình từ 10 - 50% so với trước đây và vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ. Có thể thấy, đây là cam kết mạnh mẽ, thể hiện sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch nhằm cùng nhau khôi phục hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, để thu hút du khách đến với Đắk Lắk, nếu chỉ dừng lại ở những cam kết về giá e là chưa đủ. Có một thực tế là nhiều du khách đến với Đắk Lắk đã rất ấn tượng với khí hậu, thiên nhiên, văn hóa và con người nơi đây. Thế nhưng nhiều người cũng tỏ ra tiếc nuối khi mà với nền tảng ấy, sản phẩm du lịch lại khá nghèo nàn, việc thiết kế tour chưa phát huy hết lợi thế của điều kiện tự nhiên, thiên nhiên, văn hóa mang tính đặc thù rất riêng của Đắk Lắk. Rồi khi đến các điểm du lịch của tỉnh, nhiều du khách vẫn chưa hài lòng về chất lượng phục vụ, các nhân viên vẫn chưa có tính chuyên nghiệp cao, chưa có sự tương tác, nhiệt tình với du khách trong vấn đề giao tiếp…
Những vấn đề đó dẫn đến hệ lụy là mặc dù các địa điểm lưu trú trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư ngày càng bài bản, dần đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng khó giữ chân du khách lưu trú và lưu trú lâu khi đi du lịch tại Đắk Lắk.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành khiến ngành Du lịch của thế giới “đóng băng”, nhiều điểm du lịch quốc tế gần như “chết lâm sàng” thì may mắn là dịch bệnh này tại Việt Nam đã được khống chế tốt, thị trường du lịch nội địa lại có không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn, biến động từ bên ngoài. Thậm chí, đây có thể xem là cơ hội rất lớn để ngành Du lịch xây dựng chiến lược phát triển cho cả trước mắt lẫn lâu dài. Riêng với Đắk Lắk, phải sớm khắc phục được những vấn đề nội tại như đã nêu trên để du lịch nơi đây thật sự trở thành điểm đến thu hút du khách.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc