Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập khá từ trồng thanh long ruột đỏ

09:38, 10/06/2020

Nhận thấy đất đai của gia đình phù hợp với trồng cây ăn trái, đầu năm 2015 ông Vũ Văn Khanh (ở thôn 5B, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha cà phê sang trồng gần 1.000 trụ thanh long ruột đỏ.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn thanh long của gia đình ông Khanh sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, sau 5 năm vừa trồng và nhân giống, vườn thanh long của gia đình ông đã tăng lên hơn 2.000 trụ, trung bình mỗi năm thu được khoảng 20 tấn quả. Với giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Khanh thu nhập hơn 250 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Khanh (bên trái) đưa khách đi tham quan vườn thanh long.
Ông Vũ Văn Khanh (bên trái) đưa khách đi tham quan vườn thanh long.

Ông Khanh chia sẻ, thanh long ruột đỏ là loại cây ăn trái dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần đầu tư giống ban đầu, sau đó cắt cành giâm làm giống. Trồng năm thứ hai là cây đã cho thu hoạch, sản lượng tăng dần trong những năm tiếp theo. Trong giai đoạn thanh long ra hoa, cây cần tập trung dinh dưỡng nuôi quả nên sức đề kháng yếu, dễ bị các loại nấm, sâu bệnh tấn công. Do đó, khi cây chuẩn bị ra nụ là phải phun các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh; khi cây trổ bông phải phun thêm thuốc đậu quả; giai đoạn quả gần chín cần phun thuốc dưỡng và bón cho cây các loại phân vi sinh, đồng thời bảo đảm tưới nước đầy đủ cho cây vào mùa khô. Để cây phát triển xanh tốt và ra quả quanh năm, người trồng thanh long cần dùng béc tưới phun sương, sử dụng đèn chiếu sáng và tuân thủ quy trình tưới nước hợp lý. Hiện nay trên thị trường rất ưa chuộng các loại trái cây nội địa, sản phẩm được thương lái vào tận vườn thu mua, nên không sợ "bí" đầu ra.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình mình, ông Khanh còn giúp đỡ hàng chục hộ khó khăn ở địa phương cùng phát triển kinh tế như: Cung cấp cây giống; chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt để giúp họ phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương...

Bình Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.