Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập ổn định từ nuôi dê

07:57, 05/06/2020

Trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Liên (tổ dân phố 9, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, không có vốn làm ăn, vợ chồng chị phải bươn chải với đủ thứ nghề để kiếm sống.

Năm 2010, được Hội LHPN thị trấn Phước An tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng, chị Liên quyết định đầu tư làm chuồng và mua 6 con dê về nuôi gồm 1 con dê đực và 5 dê cái.

Trong quá trình nuôi, chị Liên tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê do Hội LHPN thị trấn tổ chức; đồng thời học hỏi các kinh nghiệm chăn nuôi trên sách báo, truyền hình. Đàn dê của gia đình chị luôn khỏe mạnh và phát triển nhanh, trung bình mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 4 con. Sau khi nuôi từ 5 - 7 tháng, chị xuất bán và chỉ để lại những con dê thật đẹp, khỏe mạnh để làm giống. Cứ thế, đến nay đàn dê đã tăng lên 100 con. Với giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm chị có lãi hơn 100 triệu đồng.

Đàn dê của gia đình chị Nguyễn Thị Liên sinh trưởng tốt.
Đàn dê của gia đình chị Nguyễn Thị Liên sinh trưởng tốt.

Theo kinh nghiệm của chị Liên, nuôi dê đòi hỏi phải thường xuyên vệ sinh chuồng thông thoáng, sạch sẽ; thức ăn cho dê chủ yếu là các loại lá cây, cỏ nhưng phải đảm bảo khô ráo. Sau 10 năm nuôi dê, chị Liên đã trả hết nợ vay, xây được căn nhà trị giá trên 400 triệu đồng và mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị. Chị cũng đã làm hồ sơ xin vay vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2020 của Hội Phụ nữ thị trấn để mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình.

Chăn nuôi dê cũng là mô hình mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Nguyễn Văn Toan ở buôn Ea Ga, xã Cư Ni (huyện Ea Kar).

Trước đây gia đình ông Toan nuôi gà và heo nhưng do quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập không cao. Năm 2005, nhận thấy nuôi dê chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn, ông Toan đã mạnh dạn mua 10 con dê mẹ về nuôi. Khi mới nuôi dê, ông gặp nhiều khó khăn do thời điểm đó giá dê liên tục xuống thấp, nhiều khi chỉ còn 5.000 đồng/kg nhưng ông vẫn kiên trì chăm sóc và duy trì; nhờ vậy mà hiện nay mô hình chăn nuôi này đã mang lại thu nhập ổn định hằng năm cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Toan chăm sóc đàn dê.   Ảnh: B.Nguyên
Ông Nguyễn Văn Toan chăm sóc đàn dê. Ảnh: B.Nguyên

Trong chuồng nhà ông Toan hiện luôn duy trì từ 30 - 40 con dê lớn, nhỏ, trong đó có hơn 20 con dê mẹ. Bình quân mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, đặc biệt có những lứa lên đến 3 - 4 con. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Toan có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ông Toan chia sẻ, việc nuôi dê khá đơn giản, chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng; phía trước chuồng nuôi cần có một khoảng đất trống để theo dõi đàn dê, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Toan còn giúp đỡ hàng chục hộ khó khăn phát triển kinh tế như: cung cấp con giống; chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi hiệu quả...

Phạm Len - Bình Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.