Cẩn trọng, giám sát chặt chẽ để tái đàn heo an toàn
Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi heo sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, huyện Ea Kar đã tập trung chỉ đạo việc tái đàn một cách cẩn trọng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn.
Trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, trên địa bàn huyện Ea Kar đã xảy ra 335 ổ dịch tại 81 thôn của 14/16 xã, thị trấn với số lượng heo mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là 7.737 con, tổng trọng lượng 428.298 kg. Để khoanh vùng, dập dịch, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai công tác vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các hộ có heo bị dịch và khu vực lân cận; tăng cường kiểm tra, kiểm dịch tại các chốt đầu mối ra vào huyện… Nhờ vậy, tình hình dịch trên địa bàn huyện đã được kiểm soát và đủ điều kiện để tái đàn. Tuy nhiên, dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi khiến việc tái đàn của các gia trại, nông hộ hiện gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo UBND xã Ea Păl (huyện Ea Kar) kiểm tra công tác vệ sinh chuồng trại, bảo đảm các điều kiện tái đàn heo an toàn tại gia đình ông Phạm Văn Khoa (thôn 13). |
Năm 2012, gia đình ông Phạm Văn Khoa (thôn 13, xã Ea Păl) đã vay mượn, đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng, mở rộng quy mô chăn nuôi theo gia trại khép kín. Đầu năm 2019, ông tăng số lượng đàn lên 24 heo nái, 230 heo thịt. Mọi hy vọng của lứa heo này đã bị đợt dịch tả heo châu Phi cuối năm 2019 “quét” sạch. Cả đàn heo gần đến ngày xuất chuồng, mỗi con có trọng lượng từ 50 – 60 kg đã bị "xóa sổ", gia đình ông Khoa thua lỗ trên 600 triệu đồng. “Đứt” vốn, cộng thêm số nợ ngân hàng 500 triệu đồng nên gia đình ông không còn khả năng để tái đàn. Theo ông Khoa, giá heo hơi hiện đang rất cao, người chăn nuôi sẽ có lãi nhưng vì không có vốn và tâm lý lo sợ dịch bệnh tái phát nên tạm thời gia đình chưa dám vay mượn để đầu tư chăn nuôi quy mô lớn.
Khó khăn về vốn và sự lo lắng của ông Khoa cũng là tâm lý chung của các hộ chăn nuôi. Chẳng hạn như gia đình chị Trần Thị Thủy ở thôn 7 (xã Ea Păl), sau khi đàn heo gồm 15 nái và hơn 100 heo thịt chết dần và bị tiêu hủy vì dịch, gia đình chị cũng rơi vào cảnh kiệt quệ. Để khôi phục sản xuất một cách an toàn, vợ chồng chị đã tiến hành tiêu độc khử trùng toàn bộ trại nuôi và khu vực xung quanh, đầu tư nâng cao nền chuồng, xây lại các ô nuôi và tái đàn một cách thận trọng.
Năm 2020, huyện Ea Kar đặt ra chỉ tiêu kế hoạch giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt trên 2.557 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm 31,3% cơ cấu tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ lực vẫn là chăn nuôi heo với tổng đàn 118.000 con. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, tính đến tháng 4-2020, tổng đàn heo của huyện mới đạt 93.415 con (đạt 79,2% kế hoạch).
Trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện Ea Kar đã giải ngân trên 9,9 tỷ đồng cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi và công tác phòng, chống dịch. |
Để khôi phục sản xuất, chăn nuôi heo an toàn, hiệu quả, UBND huyện Ea Kar đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, quy mô lớn, theo hướng an toàn sinh học và áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn đã tập trung hướng dẫn các trang trại, hộ chăn nuôi tiến hành các quy trình theo quy định, thực hiện tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, giữ gìn vệ sinh môi trường. Huyện cũng khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng các giống vật nuôi có năng suất, thế mạnh của địa phương.
Gia trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh. |
Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, nhằm bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, huyện Ea Kar đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác và phát triển nuôi trồng thủy sản bảo đảm 3 nguyên tắc: an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội; thực hiện tái đàn heo một cách thận trọng, an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của địa phương thì rất cần có chính sách khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện cho các hộ vay đầu tư tái đàn và hỗ trợ về con giống, vật tư, hóa chất tiêu độc khử trùng.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc