Còn "dư địa" để phát triển cây điều bền vững
Ở Đắk Lắk, cây điều có diện tích lớn chỉ sau cà phê, cao su và hồ tiêu. Tuy nhiên, do chưa được chú trọng nên bấy lâu nay cây điều phát triển "âm thầm" ở những vùng đất khó.
"Dư địa" còn cao
Hiện nay cả nước có khoảng 308.660 ha điều, trong đó diện tích cho thu hoạch là 290.482 ha, năng suất bình quân đạt gần 1,2 tấn/ha, sản lượng 344.836 tấn. Riêng Đắk Lắk có 23.849 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 20.732 ha, sản lượng đạt trên 25 nghìn tấn. Những năm gần đây, so với nhiều nông sản khác, giá hạt điều luôn đứng ở mức cao, có thời điểm đến 50 nghìn đồng/kg.
Theo đó, ở một số địa phương (như các huyện Cư M'gar, Ea Súp) cây điều được chú trọng chăm sóc tốt, năng suất khá cao, đạt khoảng 3 tấn/ha, giúp nông dân có thu nhập ổn định. Đồng thời, các địa phương này cũng quan tâm đẩy mạnh xây dựng những mô hình thâm canh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân như tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... giúp cho vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Sản phẩm hạt điều ở huyện Cư Kuin là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được trưng bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV. |
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện nay năng suất điều của Việt Nam cao hơn năng suất trung bình thế giới, nhưng vẫn thấp so với tiềm năng. Nguyên liệu điều đều được các doanh nghiệp thu mua hết, thậm chí giá điều Việt Nam luôn cao hơn điều nhập khẩu từ 20% trở lên. Mặc dù năm nay giá thu mua hạt điều thấp hơn mọi năm (dao động khoảng 22.500 - 23.000 đồng/kg); giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang hầu hết các thị trường cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (chỉ có giá xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ tăng 16,6%), nhưng Việt Nam cũng đã xuất khẩu được 54,7 nghìn tấn, trị giá gần 667 triệu USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện Việt Nam đang đứng số 1 về xuất khẩu điều; công nghệ, thiết bị chế biến điều ở Việt Nam cũng đứng đầu thế giới, với 90% dây chuyền thiết bị chế biến do trong nước sản xuất (còn duy nhất một thiết bị là máy phân loại màu phải nhập khẩu). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng được từ 20 - 25% nguồn nguyên liệu, do đó nhiều doanh nghiệp đã nhập điều thô của các nước khác về gắn mác "hạt điều Việt Nam", gây ảnh hưởng đến thương hiệu và năng lực cạnh tranh của hạt điều trong nước…
Bộ NN-PTNT dự báo, giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ do các nước phương Tây tăng nhu cầu dự trữ điều, bên cạnh đó Trung Quốc đang dần phục hồi nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Hiệp hội Điều Việt Nam đang kiến nghị xây dựng hàng rào thuế quan để nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng điều và tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, giảm thiểu nguy cơ cho mặt hàng này.
Cần phát huy giá trị đặc trưng
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, diện tích cây điều ở Đắk Lắk đang đứng thứ tư cả nước. Những năm gần đây, diện tích điều có xu hướng tăng do giá thu mua hạt điều tăng. Giá thu mua hạt điều của Đắk Lắk vẫn cao hơn so với mặt bằng chung do chất lượng hơn các địa phương khác và được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, năng lực cạnh tranh của ngành điều Đắk Lắk cần phải được chú trọng trong thời gian tới.
Một cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Sở NN-PTNT cho biết, những năm gần đây cây điều phát triển khá ổn định về diện tích và sản lượng. Hiện cây điều đang được trồng rải rác ở các huyện, diện tích không tập trung, chủ yếu trồng ở những vùng đất xấu nên năng suất điều chưa được nâng cao. Bên cạnh đó, 6 cơ sở chế biến điều nhân đang hoạt động, quy mô nhỏ, không có vùng nguyên liệu ổn định. Sản lượng xuất khẩu điều 6 tháng đầu năm 2020 được 95 nghìn tấn, đạt 15,6% kế hoạch, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc (50%), Mỹ (30%), còn lại qua các thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Singapore. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là từ năm 2021 trở đi, Đắk Lắk là một trong những tỉnh được Bộ NN-PTNT đồng ý chủ trương cho tham gia dự án trong chuỗi dự án về cây hồ tiêu, ăn quả và cây điều. Đây là cơ hội tốt để chúng ta tổ chức lại sản xuất, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ.
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, Đắk Lắk có thể nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của cây điều, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành điều Việt Nam. Vấn đề hiện nay của ngành điều Đắk Lắk là chưa phát triển tập trung, chưa có quy hoạch để bảo tồn phát triển những giống điều của địa phương. Do đó, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu của điều địa phương bởi hiện nay hương vị và chất lượng của hạt điều Đắk Lắk được người tiêu dùng, doanh nghiệp hết sức ưa chuộng và đang tập trung thu mua. "Hy vọng thời gian tới, lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn trong việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và bảo tồn nguồn gen, phát triển giống điều đặc sản của địa phương", ông Đặng Hoàng Giang chia sẻ.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam hồi đầu tháng 6-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đề nghị Hiệp hội hỗ trợ kỹ thuật trồng, giống cho nông dân, cũng như cách thức xây dựng vùng nguyên liệu quy mô kết nối toàn tỉnh, tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý hạt điều, thương hiệu cho sản phẩm đặc sản hạt điều Đắk Lắk... |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc