Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức tiềm năng du lịch từ nông nghiệp

06:18, 05/07/2020

Nhận thấy tiềm năng khai thác du lịch sinh thái – văn hóa tại vùng ven hồ thủy điện Sêrêpốk 3, nhiều nông dân, ngư dân tại thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) đã liên kết thành lập hợp tác xã (HTX), thống nhất định hướng phát triển nông nghiệp để phục vụ du lịch.

Thôn Tân Phú có vùng sản xuất nông nghiệp nằm ven hồ thủy điện Sêrêpốk 3. Trước đây, vùng đất này vốn khô cằn nên người dân chủ yếu trồng cây ngắn ngày, cuộc sống khá chật vật. Khi xây dựng thủy điện Sêrêpốk 3, nhiều hộ phải di dời khỏi khu vực lòng hồ thủy điện và được bố trí lại chỗ ở, nơi canh tác nên thôn Tân Phú hình thành ba khu vực dân cư chính là khu tái định cư, khu làng chài và khu tái định canh. Người dân cũng thử nghiệm chuyển đổi sang đánh bắt cá tự nhiên và nuôi thủy sản trên lòng hồ, canh tác đa dạng các loại cây trồng dài ngày, đặc biệt là cây ăn trái để thay thế dần những loại cây ngắn ngày trước kia.

Nghề nuôi thủy sản tại khu vực hồ thủy điện Sêrêpốk 3.
Nghề nuôi thủy sản tại khu vực hồ thủy điện Sêrêpốk 3.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển nông nghiệp vẫn mạnh ai nấy làm, manh mún, thiếu liên kết và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Hơn nữa, do thiếu tổ chức, quy hoạch, khu vực làng chài ngày càng có nhiều người dân khắp nơi đến dựng lều bạt ngay trên đường đi vào mỏ đá cũ (đường dẫn xuống hồ thủy điện hiện tại), cư trú tạm bợ, mất an toàn và nhếch nhác. Thôn cũng đã vận động thành lập một số mô hình tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp để tập hợp bà con, song hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Xuất phát từ ý tưởng phát triển nông nghiệp phục vụ du lịch, tháng 5-2019, HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông – Buôn Đôn ra đời, với 22 thành viên. Nhờ nắm bắt đúng tâm lý, nguyện vọng của người dân, HTX nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả dưới sự quan tâm của các tổ chức và chính quyền địa phương. Một mặt, HTX phổ biến kế hoạch, vận động các hộ trồng trọt xây dựng vườn cây theo định hướng du lịch như: có lối đi nội bộ thuận lợi, trồng đa dạng cây ăn trái theo phương pháp an toàn sinh học kết hợp với trồng cây cảnh quan phân thành các tầng cao - thấp. Mặt khác, HTX tích cực đầu tư phát triển nghề cá và phối hợp cùng địa phương vận động người dân khu vực làng chài sắp xếp lại chỗ ở, khu vực khai thác đảm bảo an toàn, mỹ quan. HTX cũng duy trì và thành lập mới 5 tổ hợp tác theo từng nhóm ngành nghề để các nông dân có thêm cơ hội học hỏi, bàn bạc, chia sẻ thông tin theo đúng nguyện vọng.

Trong năm 2019, HTX đã được huyện Buôn Đôn hỗ trợ 390 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của huyện và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới của Trung ương, làm tiền đề để triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) kết hợp với phát triển du lịch nông thôn. Toàn bộ nguồn hỗ trợ đều được HTX sử dụng để cấp cá giống và thức ăn chăn nuôi cho các hộ nuôi cá lồng bè, tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển nghề cá. Nhờ đó, các thành viên của HTX đã mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi cá từ 20 lồng lên 60 lồng với những loại cá chủ lực như: rô phi, diêu hồng, rô đầu vuông, cá lóc... xuất bán hàng tấn cá tươi cho thị trường mỗi ngày. Hệ thống lồng bè, nhà nổi cũng được đầu tư kiên cố, sạch đẹp hơn. Tháng 4-2020, hơn 20 hộ dân làng chài đã tự nguyện thuê đất để dựng 2 dãy nhà tiền chế phục vụ khai thác cá, tháo dỡ chòi bạt tạm bợ, lụp xụp trước đây và trả lại đường đi xuống bến cá theo đúng công năng.

Vườn  trái cây  của  thành viên HTX  Phú Nông - Buôn Đôn được  canh tác theo hướng hữu cơ.
Vườn trái cây của thành viên HTX Phú Nông - Buôn Đôn được canh tác theo hướng hữu cơ.

HTX cũng bước đầu định hướng thành viên trồng trọt theo phương pháp an toàn, chuyển đổi dần sang canh tác hữu cơ, sinh học để chuẩn bị cho việc xây dựng các vườn cây đạt chuẩn VietGAP. Khi các nông sản đã có chứng nhận, việc liên kết tiêu thụ sẽ trở nên dễ dàng, khách du lịch có thể trải nghiệm cùng làm vườn với nông dân và trực tiếp mua những nông sản sạch ngay tại vùng sản xuất. Sau đó, HTX sẽ phát triển chế biến sâu các sản phẩm cây ăn trái, thịt, cá theo hình thức sấy khô, sấy dẻo, tẩm ướp gia vị…

Những nỗ lực của HTX trong hơn một năm hoạt động đã tạo nên sự chuyển mình đáng ghi nhận ở một vùng đất còn nhiều khó khăn. Đến nay, HTX đã có 37 thành viên, tất cả đều yên tâm chuyển đổi, mở rộng sản xuất theo đúng định hướng của HTX. Cảnh quan, môi trường đang dần có quy củ, ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Phú Nông - Buôn Đôn chia sẻ, hầu hết thành viên HTX là nông dân nên nguồn lực tài chính vẫn còn là hạn chế lớn để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Chính vì vậy, HTX tiếp tục bám sát phương châm làm dần từng bước một, vừa huy động nguồn lực sẵn có của thành viên, vừa thu hút các nhà đầu tư và liên kết với các đơn vị khác. Hiện nay, một số vườn cây ven hồ thủy điện đã cơ bản hình thành quần thể sinh thái nhỏ, có thể tổ chức hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí thử nghiệm vào cuối năm nay, làm hình mẫu để bà con nhân rộng. Mặt khác, HTX cũng đang liên kết với một số cá nhân, tổ chức đầu tư du lịch lân cận như khu vực Đảo Thiên Quy, nông trại Lâu Đài Yến… để hình thành chuỗi du lịch, trải nghiệm tại vùng hồ thủy điện với diện tích trên 3.500 ha mặt nước này trong tương lai không xa.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.