Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp lâu dài khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô

07:55, 13/07/2020

Tình trạng sạt lở đất dọc bờ sông Krông Nô tại khu vực giáp ranh huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) và Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đã diễn ra trong nhiều năm. Để giảm thiểu tình trạng này đòi hỏi cần có giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ và lâu dài từ nhiều phía.

Bờ sông sạt lở do khai thác cát

Dọc sông Krông Nô là diện tích đất canh tác của người dân, chủ yếu là đất trồng lúa và hoa màu. Nhiều năm nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở, biến mất. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay tại các xã thuộc huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) ghi nhận 17 điểm sạt lở, với diện tích khoảng 140 ha; tại xã Ea Rbin, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) có 6 điểm sạt lở nặng, có những đoạn dài 120 m, khiến hàng trăm héc ta đất sản xuất của người dân bị xóa sổ.

Đoạn sông Krông Nô hạ lưu Nhà máy thủy điện Buôn Tua Shar.
Đoạn sông Krông Nô hạ lưu Nhà máy thủy điện Buôn Tua Shar.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng sạt lở đất dọc sông là do nhiều tác nhân như: hoạt động xả nước của Thủy điện Buôn Tua Srah; kết cấu địa chất dọc sông chủ yếu là đất pha cát và tác động của người dân trong việc tưới tiêu, sản xuất. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do hoạt động khai thác cát trên sông. Cụ thể, hiện UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp phép thăm dò, khai thác cát trên sông cho 9 đơn vị, tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép khai thác cho 5 đơn vị. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã tìm cách khai thác cát trái phép, khai thác ngoài phạm vi cho phép, thậm chí đưa thêm tàu, thuyền vào khai thác cát quá số lượng quy định. Tình trạng này dẫn tới kết cấu dòng sông bị phá vỡ, lòng dẫn biến đổi cục bộ, làm thay đổi chế độ thủy động lực của dòng chảy và độ ổn định của bờ sông gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông, thời gian qua, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh. Theo đó, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác của các đơn vị; cắm biển cấm tại các khu vực sạt lở tạm dừng khai thác. Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã xử lý 23 vụ việc khai thác cát trái phép, xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền là 648 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, việc quản lý khai thác cát khu vực này gặp nhiều khó khăn, do tàu khai thác cát chủ yếu hoạt động vào đêm khuya, rạng sáng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng mỏng và khó khăn trong việc kiểm tra độ sâu khai thác của các đơn vị theo thiết kế được duyệt, làm cơ sở cho việc xử lý.

Cần có giải pháp căn cơ

Tại Hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng và các giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô khu vực giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk” do UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, các chuyên gia cho rằng, để hạn chế và từng bước ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, cần có giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ và lâu dài từ nhiều phía.

Cụ thể, đối với các đơn vị khai thác cát, cần xây dựng kế hoạch khai thác hằng năm, đăng ký số lượng tàu thực hiện khai thác cát gửi UBND huyện, xã nơi có hoạt động khai thác để kiểm tra, giám sát; hoạt động khai thác cát phải theo đúng nội dung kế hoạch và giấy phép được cấp; khai thác đúng độ sâu và bảo đảm khoảng cách đến mép bờ sông theo thiết kế đã được phê duyệt tránh thay đổi đột ngột địa hình lòng sông, giảm thiểu các tác động gây xói lở bờ sông.

Về phía cơ quan chức năng hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp có hoạt động khai thác, kinh doanh cát; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, nhất là tình trạng khai báo không đúng sản lượng khai thác thực tế; đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến từng thôn, buôn, qua đó nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện và phản ánh các vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên sông.

Bờ sông Krông Nô đoạn qua xã Ea Rbin, huyện Lắk bị sạt lở nặng.
Bờ sông Krông Nô đoạn qua xã Ea Rbin, huyện Lắk bị sạt lở nặng.

Một giải pháp mang tính lâu dài cho tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô được Tiến sĩ Ngô Thị Bích Đào – CEO của Công ty Tư vấn LAPAT quốc tế (Hà Nội) đưa ra là phục hồi hệ sinh thái sông bằng phương pháp kè mềm chống xói lở bờ sông. Theo đó, hệ thống kè này có 3 lớp, ở lớp ngoài cùng sẽ dùng cọc tre chắn, bên dưới có lớp bạt để đổ cát, đất lên trồng các loại cây chịu nước;  lớp tiếp theo sẽ tạo bờ vai theo từng ô rồi trồng cây, cỏ phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để giữ bờ. Trong cùng sẽ có một lớp trồng các loại cây như phi lao, bạch đàn để tạo thành “rừng phòng hộ”. Đây được đánh giá là giải pháp mang tính bền vững, có tính khả thi cao, không mất nhiều kinh phí như xây kè bê tông, làm rọ đá mà vừa mang lại hiệu quả về mặt sinh thái, vừa tạo sinh kế cho người dân.

Trước tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã hạn chế tối đa việc thay đổi công suất của tổ máy và số lần chạy/ngừng máy hằng ngày để giảm biến động mực nước sông ở hạ lưu. Với những khu vực ở hạ du bị ảnh hưởng, đơn vị đã bồi thường hỗ trợ đối với 733.867 m2 đất bị sạt lở và  897.681 m2 đất bị ngập của 811 hộ dân tại 2 huyện Lắk và Krông Nô.


Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.