Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Bảo đảm an toàn khi tái đàn heo

08:46, 02/07/2020

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, hiện người chăn nuôi ở huyện Cư M’gar đang tích cực khôi phục đàn heo để phát triển sản xuất. 

Cuối tháng 4 vừa qua, huyện Cư M’gar chính thức công bố hết dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. Theo đó, mọi hoạt động về chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển sản phẩm heo trở lại bình thường theo quy định của pháp luật. Điều này càng củng cố niềm tin cho người chăn nuôi địa phương yên tâm khôi phục đàn, ổn định sản xuất.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch nên dù dịch bệnh xảy ra ở địa phương, nhưng đàn heo của hộ anh Nguyễn Đại Huệ (thị trấn Quảng Phú) vẫn không bị ảnh hưởng. Từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, tình hình chăn nuôi của gia đình vẫn khá thuận lợi. Tuy nhiên, do khó lường trước được rủi ro nên anh đã giảm đàn, chỉ nuôi khoảng 50 con heo thịt. Mới đây, khi địa phương chính thức công bố hết dịch, anh mới mạnh dạn gây đàn, đưa việc chăn nuôi trở về ổn định bình thường. Trong chuồng của gia đình anh, đàn heo hiện có gần 100 con heo thịt và 10 heo nái hậu bị.

Theo anh Huệ, để giữ an toàn cho đàn heo trước nguy cơ lây lan mầm bệnh thì chăn nuôi theo hướng sinh học là biện pháp hữu hiệu nhất được anh duy trì thực hiện trong suốt thời gian vừa qua. Theo đó, anh đầu tư hệ thống lưới bọc để che chắn khu vực xung quanh chuồng trại và xây dựng hệ thống hàng rào bao quanh khuôn viên chăn nuôi. Bên cạnh đó, anh thực hiện rải vôi hằng ngày trên các lối đi để tiêu độc khử trùng, phun thuốc sát trùng thường xuyên, tuyệt đối không cho người lạ vào khu vực nuôi. Mỗi ngày đến thăm chuồng, chăm sóc đàn heo, anh đều khử độc sát trùng trước và sau khi rời trại… 

Chăn nuôi heo tại hộ anh Nguyễn Đại Huệ (thị trấn Quảng Phú).
Chăn nuôi heo tại hộ anh Nguyễn Đại Huệ (thị trấn Quảng Phú).

Tương tự, hộ anh Lê Ngọc Hoan (thị trấn Ea Pốk) cũng chủ động thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn heo. Anh Hoan cho hay, dịch bệnh xảy ra nên anh đã bỏ trống chuồng gần nửa năm nay.

Cuối tháng 5 vừa qua, khi chính quyền địa phương công bố hết dịch, anh mạnh dạn đầu tư vốn tái đàn để khôi phục sản xuất. 75 con heo thịt được nuôi trong đợt này là cả một tài sản lớn đối với gia đình nên việc chăm sóc, phòng dịch được anh thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo. Anh chấp nhận mua con giống tại trang trại chăn nuôi với giá cao hơn ngoài thị trường tự do để bảo đảm có nguồn gốc rõ ràng và được xét nghiệm dịch tả heo châu Phi trước khi thả nuôi.

Để bảo vệ đàn heo, anh chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng, chống dịch bệnh, thiết kế chuồng bảo đảm thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý trong chăn nuôi nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi với mầm bệnh. Vì không có điều kiện đầu tư chuồng kín nên anh bảo vệ vật nuôi bằng cách sát trùng thường xuyên chuồng trại, phủ lưới kín xung quanh chuồng nhằm hạn chế không để chuột, muỗi, côn trùng… tiếp xúc với đàn heo. Đặc biệt, anh chú trọng bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, các loại vitamin để tăng sức đề kháng, giúp đàn heo phát triển tốt.

Để bảo đảm an toàn, chính quyền địa phương, ngành chăn nuôi ở Cư M'gar đang nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ vật nuôi. Cụ thể, ngành chăn nuôi thường xuyên thực hiện các biện pháp chuyên môn, giám sát, kiểm tra bảo đảm điều kiện an toàn trước khi cho hộ chăn nuôi tiến hành tái đàn để giảm rủi ro. Đội ngũ nhân viên thú y tại các xã, thị trấn cũng thực hiện tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ mua bán động vật, cơ sở giết mổ trên địa bàn; tăng cường giám sát, kiểm tra việc nhập heo vào nuôi tại địa bàn huyện. Đồng thời, vận động người chăn nuôi chủ động tự túc hóa chất thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi của mình…

Nhân viên thú y huyện Cư M'gar tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại tại các hộ nuôi heo trên địa bàn.
Nhân viên thú y huyện Cư M'gar tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại tại các hộ nuôi heo trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Cư M’gar chia sẻ, điều đáng mừng là người dân hiện đã rất chủ động trong việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn heo và triển khai nhiều biện pháp phòng vệ ngay từ khi bắt tay vào khôi phục, tái đàn trở lại. Hiện tại, đàn heo trong toàn huyện có hơn 22.600 con, với 17 trang, gia trại chăn nuôi tập trung và chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình. Phương thức chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng đang dần có nhiều thay đổi, chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại liên kết chuỗi, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Huyện đang tổ chức tiêm 6.250 liều vắc xin kép (dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn) cho đàn heo tại địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để bảo đảm đàn heo phát triển an toàn, ổn định.

Theo ngành chăn nuôi huyện Cư M'gar, thời điểm này, nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn tăng đàn, tái đàn để phục hồi sản xuất, gây dựng đàn heo, con giống. Nếu suôn sẻ, ước tính cuối năm, tổng đàn heo toàn huyện có 35 nghìn con, tăng khoảng 35% so với hiện tại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.