Multimedia Đọc Báo in

Khắc phục các điểm sạt lở công trình đê bao Quảng Điền: Bảo đảm an toàn sản xuất trước mùa lũ

09:18, 06/07/2020

Sau sự cố vỡ đê và xuất hiện một số vị trí hư hỏng nặng trên công trình đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana), các cấp, ngành chức năng đã nhanh chóng thực hiện công tác sửa chữa, khắc phục, bảo đảm an toàn tài sản, hoa màu của người dân trước mùa mưa lũ năm nay.

Hệ thống đê bao Quảng Điền được xây dựng từ năm 2010, với mục đích chủ yếu là ngăn lũ tiểu mãn, bảo vệ cho khoảng 2.500 ha cây trồng các loại của người dân địa phương, trong đó chủ yếu là lúa nước. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, cộng với tác động của thiên tai, con người, một số vị trí của công trình bị sạt lở, hư hỏng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân địa phương. Đặc biệt, trung tuần tháng 8 năm 2019, một đoạn của hệ thống đê bao Quảng Điền đoạn qua xã Quảng Điền bị cuốn trôi, khiến hơn 1.000 ha lúa của người dân địa phương bị nhấn chìm. Sau sự cố vỡ đê, người dân địa phương cảm thấy bất an khi đi lại, sản xuất ở các vị trí công trình bị hư hỏng, xuống cấp.

Các vị trí sạt lở của đê bao đoạn qua xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) được khắc phục.
Các vị trí sạt lở của đê bao đoạn qua xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) được khắc phục.

Theo thống kê, từ trước đó, toàn tuyến đê đã có 3 vùng bị hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao gồm: vùng 1 khu vực Bàu Lạnh, đoạn từ trạm bơm T21 về trạm bơm T20 (xã Quảng Điền); vùng 2 đoạn khu vực cống Ông Lương về trạm bơm T22, đoạn cầu số 1 (xã Quảng Điền) và vùng 3 đoạn từ trạm bơm T76 đến cống tiêu C8 (xã Dur Kmăl). Ngoài hệ thống đê, chân đê bị ảnh hưởng, tại các vùng này, một số công trình trên đê như cống tiêu Bàu Rô, cống tiêu Bàu Lạnh, cống tiêu cánh đồng B (xã Quảng Điền)… cũng bị hư hỏng, cần nâng cấp, sửa chữa.

Đầu năm 2019, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Dự án chống sạt lở hệ thống đê bao Quảng Điền, hạng mục sửa chữa với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 13,5 tỷ đồng, giao UBND huyện Krông Ana làm chủ đầu tư.

Ông Phan Thanh Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Krông Ana cho biết, theo hợp đồng thi công, dự kiến đến tháng 5 năm 2021 các hạng mục của dự án sẽ hoàn thiện, tuy nhiên do tính cấp bách, cần thiết của công trình này nhằm kịp thời bảo đảm sản xuất cho người dân nên các nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ công trình. Tính đến hết tháng 6-2020, công trình đã hoàn thành được 75% khối lượng, giải ngân được khoảng 7 tỷ đồng vốn xây lắp.

Hiện nay, vị trí khó khắc phục nhất là ở vùng 3 từ trạm bơm T76 đến cống tiêu C8 thuộc địa phận xã Dur Kmăl, chiều dài gia cố hơn 180 m do tiếp giáp với sông Krông Ana. Đơn vị sẽ đốc thúc nhà thầu thực hiện các biện pháp thi công an toàn để sớm khắc phục các vị trí còn lại, tạo sự yên tâm cho bà con có đất canh tác trong phạm vi của công trình. Riêng tại vị trí vỡ đê vào năm 2019, hiện nay huyện đã giao Ban thực hiện đắp đất, lu lèn, khẩn trương hoàn tất các thủ tục để sớm thi công kiên cố hóa đoạn này.

Chân mái ta-luy đê bao Quảng Điền đoạn cánh đồng B (xã Quảng Điền) được gia cố vững chắc.
Chân mái ta-luy đê bao Quảng Điền đoạn cánh đồng B (xã Quảng Điền) được gia cố vững chắc.

Anh Nguyễn Thanh Sỹ, thôn 2 xã Quảng Điền cho hay, nhiều năm qua, tuyến đê qua cánh đồng B có nhiều vị trí bị sạt lở, mái ta-luy hầu như bị sụt lún, cứ sau mỗi trận mưa công trình lở thêm một ít. Do đó, anh và những người dân có diện tích canh tác ở đây đều cảm thấy bất an, cứ đến mùa mưa lũ hằng năm vào tầm tháng 7, tháng 8 là cảm thấy lo lắng vì sợ vỡ đê. Năm nay, đến thời điểm hiện tại, các vị trí hư hỏng đã được huyện xử lý, nhất là mái ta-luy được gia cố chắc chắn, khu vực chân đê được nhà thầu khắc phục bằng cách bỏ các rọ đá nên hạn chế tối đa tình trạng sạt lở. Hy vọng, mùa lũ tới, khi công trình được khắc phục cơ bản sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với hoạt động sản xuất, đi lại của bà con.

Có thể khẳng định, nhờ có hệ thống đê bao Quảng Điền mà nhiều năm qua, người dân trên địa bàn huyện Krông Ana có thể canh tác lúa 2 vụ mỗi năm, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống. Do đó, việc nhanh chóng gia cố các vị trí hư hỏng của công trình đã tạo sự yên tâm cho người dân địa phương, nhất là khi mùa lũ đang đến gần.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Krông Ana cho biết, hệ thống đê bao Quảng Điền có tổng chiều dài 42,6 km, đi qua các xã gồm Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl và thị trấn Buôn Trấp.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.