Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng kích cầu du lịch từ những đường bay mới

08:44, 15/07/2020

Là vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng Đắk Lắk chưa thu hút được nhiều du khách, một phần do hạ tầng giao thông còn hạn chế. Thời gian gần đây, các hãng hàng không đã mở nhiều đường bay đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân, đồng thời mở ra kỳ vọng thúc đẩy du lịch Đắk Lắk phát triển.

Thêm nhiều đường bay mới

Lâu nay Đắk Lắk kết nối với các địa phương chủ yếu bằng ba trục giao thông đường bộ gồm tuyến Quốc lộ 14 đi các tỉnh phía Nam, miền Trung và miền Bắc; Quốc lộ 26 nối các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và tuyến Quốc lộ 27 nối với tỉnh Lâm Đồng. Về đường hàng không, tỉnh có Sân bay Buôn Ma Thuột kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng. Đây là các đường bay được hình thành từ khá lâu, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Hành khách làm thủ tục an ninh tại Sân bay Buôn Ma Thuột.
Hành khách làm thủ tục an ninh tại Sân bay Buôn Ma Thuột.

Đầu năm 2020, UBND tỉnh, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột và một số hãng hàng không đã mở thêm các đường bay mới kết nối Buôn Ma Thuột với một số tỉnh, thành phố trong nước. Chỉ tính riêng Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ đầu năm đến nay đã mở thêm 4 đường bay mới kết nối Buôn Ma Thuột với Vinh, Thanh Hóa, Cần Thơ và Hải Phòng. Tính đến thời điểm hiện tại, hãng đang khai thác 7 đường bay đi - đến Buôn Ma Thuột, trong đó có 2 chặng bay kết nối đến 2 trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước là Hà Nội với tần suất 11 chuyến/tuần, TP. Hồ Chí Minh 14 chuyến/tuần.

Mới đây, tại Lễ khai trương đường bay Buôn Ma Thuột – Cần Thơ, Buôn Ma Thuột – Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh nhấn mạnh, việc mở thêm hai đường bay này sẽ tạo điều kiện kết nối giao thương, văn hóa, du lịch thường xuyên giữa các địa phương với nhau. Đây cũng là kênh quảng bá trực tiếp vùng đất và con người Đắk Lắk đến với nhân dân hai thành phố bạn, tin rằng Đắk Lắk sẽ được biết đến nhiều hơn, có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tháng 6, Hãng Vietjet Air cũng mở mới đường bay Buôn Ma Thuột - Đà Nẵng, với tần suất 4 chuyến/tuần vào các ngày thứ 2, 4, 6 và chủ nhật. Theo đại diện của hãng tại Buôn Ma Thuột, chặng bay này lượng khách khá ổn định, tỷ lệ lấp đầy chỗ ngồi dao động từ 80 - 90%/chuyến. Đặc biệt, từ đầu tháng 7, lượng khách là giáo viên, học sinh đặt chỗ  theo tour và khách đặt lẻ khá nhiều, nhờ đó tăng tỷ lệ lấp đầy chỗ ngồi trên máy bay. Cùng hành trình này, ngoài Vietjet Air, Hãng Vietnam Airlines duy trì hoạt động bay trở lại sau một thời gian dừng bay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tần suất 3 chuyến/tuần vào các ngày thứ 2, 4 và thứ 7, thì mới đây, nhận định dịp hè lượng khách tăng cao nên từ ngày 9-7 hãng tăng cường thêm 1 chuyến vào ngày thứ 5 hằng tuần, nâng lên thành 4 chuyến/tuần đối với chặng bay này.

Tăng cơ hội kết nối tour du lịch

Nhiều đường bay mới mở ra là cơ hội để các công ty du lịch kết nối tour cho khách từ Đắk Lắk đi một số tỉnh thành. Đơn cử như trong chuyến bay đầu tiên tuyến Buôn Ma Thuột – Cần Thơ vào ngày 22-6-2020, Vietravel Chi nhánh Buôn Ma Thuột đã kết nối tour du lịch tham quan tuyến miền Tây với đoàn 18 khách. Trong tháng 7 này, đơn vị tiếp tục book 3 tour cho khách du lịch miền Tây với giá ưu đãi. Chị Nguyễn Thị Lan Phương, nhân viên truyền thông của Vietravel Chi nhánh Buôn Ma Thuột cho biết, ngoài việc phối hợp với các hãng hàng không để tìm giá bay “mềm” nhất cho khách, đơn vị còn có nhiều chính sách ưu đãi đối với đoàn như: tất cả khách theo tour khi đi máy bay đều được nhân viên du lịch làm thủ tục check in, đối với trường hợp máy bay delay (trễ chuyến) đúng vào thời điểm các bữa ăn trong ngày thì đơn vị sẽ hỗ trợ phần ăn nhẹ tại sân bay. Bên cạnh đó, ngoại trừ khách bay bằng Hãng Vietnam Airlines có sẵn hành lý ký gửi, còn lại nếu khách bay các hãng Vietjet Air, Jettar Pacific, Bamboo… thì đơn vị chủ động mua sẵn 20 kg hành lý ký gửi để khách mang thêm hành lý trong mỗi chuyến tham quan.

 Khách đến tại  Sân bay Buôn Ma Thuột.
Khách đến tại Sân bay Buôn Ma Thuột.

Việc mở thêm đường bay còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại. Anh Nguyễn Văn Lộc (huyện Cư Kuin) cho biết, quê nội ở Thanh Hóa, trước đây mỗi lần về thăm quê anh phải book vé về Vinh rồi phải di chuyển thêm một chặng bằng ô tô rất mất thời gian và tốn kém. Từ ngày tuyến bay Buôn Ma Thuột – Thanh Hóa mở ra, mỗi lần về quê anh và người nhà đều liên hệ đại lý để mua vé bay thẳng, giá vé phải chăng, hành lý mang được nhiều nên mọi người rất hài lòng.

Có thể khẳng định, việc gia tăng số đường bay đã giúp các hãng hàng không, đơn vị lữ hành, du lịch có cơ sở đánh giá tiềm năng du khách đi đến TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung để lên kế hoạch khai thác phù hợp. Qua đó, góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế, xã hội của Đắk Lắk phát triển.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 hãng hàng không khai thác các đường bay từ Buôn Ma Thuột đến 7 tỉnh, thành phố trên toàn quốc gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh và Thanh Hóa.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc