Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

05:39, 07/07/2020

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ lợi ích, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các TCTD đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ miễn, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, tại hệ thống Vietcombank, từ tháng 2-2020 đến nay đã 3 lần giảm lãi suất cho khách hàng.

Tại BIDV, đã giảm 2%/năm cho các doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; giảm 1%/năm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương. Đối với Agribank, căn cứ vào khả năng trả nợ và mức độ ảnh hưởng của khách hàng để giảm lãi suất tối đa 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ. Riêng HDBank, tự động giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4%/năm cho khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ bị thiệt hại mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hoặc chứng minh thiệt hại.

Khách hàng giao dịch tại Nam A Bank Ea H'leo.
Khách hàng giao dịch tại Nam A Bank Ea H'leo.

Bên cạnh miễn, giảm lãi vay, hệ thống các TCTD cũng dành các gói tín dụng cho vay ưu đãi nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và DN. Có thể kể đến Vietinbank đã dành 30.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 1,5%/năm đối với VND và 0,5 – 0,7%/năm đối với USD so với trước đây. Bên cạnh đó, ngân hàng này tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô với lãi suất cho vay thấp hơn 1,25 – 3%/năm so với thông thường. Tại hệ thống ACB, đã triển khai gói vay quy mô 10.000 tỷ đồng, thời hạn vay từ 36 – 48 tháng, vốn gốc được ân hạn đến 12 tháng và trả dần cho đến khi hết hạn khoản vay. Với SHB, đã giảm lãi suất vay VND tới 3%/năm áp dụng cho khoản vay trung dài hạn và giảm 2,5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn. Riêng các khoản vay ngắn hạn bằng USD, được giảm lãi suất tới 1%/năm. Ngoài ra, đơn vị cũng miễn phí trả nợ trước hạn đối với khoản vay ngắn hạn và các dịch vụ ngân hàng điện tử như: thông báo số dư, nhắc nợ tự động, chuyển tiền qua E-Banking…

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có hơn 8.600 DN đăng ký hoạt động. Từ đầu năm đến nay có 532 DN ngừng hoạt động, 90 DN tuyên bố giải thể, phần lớn là các DN kinh doanh vận tải, cơ sở lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch. Theo số liệu của NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, 33/47 TCTD trên địa bàn tỉnh có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với dư nợ 10.579 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng dư nợ cho vay. Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 2.100 khách hàng, với dư nợ 1.104 tỷ đồng, miễn, giảm lãi vay cho hơn 9.300 khách hàng với dư nợ 6.841 tỷ đồng và cho vay mới với lãi suất ưu đãi đối với 15.568 khách hàng với số tiền hơn 9.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, các TCTD cũng gặp nhiều vướng mắc trong việc hỗ trợ khách hàng do nhiều DN, nhất là DN nhỏ chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả gây khó khăn cho các ngân hàng trong thẩm định cho vay mới. Bên cạnh đó còn gặp lúng túng trong việc đánh giá, xác định năng lực tài chính hoặc khả năng trả nợ của khách hàng trong tương lai làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ.

Cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh huyện Lắk tư vấn thủ tục vay vốn cho người dân.
Cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh huyện Lắk tư vấn thủ tục vay vốn cho người dân.

Tại chương trình kết nối ngân hàng và DN do NHNN Việt Nam và UBND tỉnh tổ chức cuối tháng 6-2020, nhiều DN đã kiến nghị các TCTD tăng cường tư vấn, tạo điều kiện cho khách hàng, DN tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các chương trình giảm lãi suất vốn vay sâu hơn; cơ cấu các khoản nợ, bảo đảm hỗ trợ DN đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đề nghị, NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk và các TCTD thực hiện hiệu quả và thực chất hơn các giải pháp hỗ trợ DN như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay; phối hợp với các tổ chức, hiệp hội để nắm bắt chính xác nhu cầu vay vốn, khó khăn vướng mắc của các DN trong việc tiếp cận vốn vay nhằm có giải pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk và các TCTD trên địa bàn tỉnh cần thường xuyên gặp gỡ, tư vấn cho các DN, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn; chủ động rà soát lại các khoản vay, từ đó thực hiện các chính sách hỗ trợ một cách công khai, minh bạch; đồng thời, không để xảy ra tình trạng thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực tỉnh có thế mạnh là sản xuất nông nghiệp.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.