Multimedia Đọc Báo in

"Tăng tốc" giải ngân vốn đầu tư công

09:10, 09/07/2020

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp cần xem xét vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc chậm phân bổ và giải ngân vốn; phải có biện pháp xử lý quyết liệt, có biện pháp điều chuyển vốn kịp thời… là những ý kiến đóng góp của đại biểu đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công tại Kỳ họp thứ mười HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chỉ rõ nguyên nhân

Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ mười HĐND tỉnh khóa IX, tổng kế hoạch vốn năm 2020 là 5.371,398 tỷ đồng; trong đó đã phân bổ chi tiết để thực hiện dự án 3.273,689 tỷ đồng, trích Quỹ phát triển đất và Quỹ đo đạc 540 tỷ đồng, phân cấp ngân sách huyện để lại đầu tư 905,6 tỷ đồng, số vốn chưa phân bổ cho các dự án 652,109 tỷ đồng. Đến ngày 30-6-2020 đã giải ngân được 903,3 tỷ đồng, đạt 27,6% kế hoạch.

Đánh giá về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh những tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên với tiến độ giải ngân như hiện nay là quá thấp, cùng với việc bước vào giai đoạn mùa mưa thì khả năng công trình giải ngân vốn có khối lượng thanh toán lớn vào cuối năm là không cao. Bên cạnh đó, tiến độ phân khai vốn cho các dự án quá chậm; còn gần 50% số dự án chưa được khởi công. Do vậy cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong 6 tháng cuối năm 2020 để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020. Đặc biệt, các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh giải ngân khá chậm; giải ngân số vốn chuyển nguồn năm 2019 sang năm 2020 là 691,01 tỷ đồng, nhưng tính đến ngày 30-6-2020 chỉ giải ngân được 139,2 tỷ đồng, bằng 20,2%.

Thi công đường tránh tại thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo.    Ảnh: Minh Thông
Thi công đường tránh tại thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo. Ảnh: Minh Thông

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Đinh Xuân Hà, một trong những nguyên nhân khiến kết quả giải ngân thấp là do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng: Một số chủ đầu tư lập và phê duyệt phương án đền bù chậm, tính toán, áp giá không sát dẫn đến phát sinh khiếu kiện trong quá trình thực hiện, phải dừng lại để giải quyết, điều chỉnh lại phương án đền bù. Bên cạnh đó là vướng mắc trong việc triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, ngày 14-8-2019 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn nên các dự án khởi công mới chưa triển khai thực hiện đấu thầu xây lắp trước ngày 15-2-2020 phải dừng lại để điều chỉnh dự toán theo quy định của Nghị định 68 và thông tư hướng dẫn do đó mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm làm thủ tục đấu thầu xây lắp để khởi công công trình. 

 
“Các sở, ngành, đơn vị liên quan cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết làm cơ sở để điều hành, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải ngân theo đúng thời gian quy định…”.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy,  Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê

Ngoài ra, chất lượng tư vấn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến nhiều hồ sơ đơn vị tư vấn lập không đảm bảo chất lượng nên các sở chuyên ngành không thẩm định được phải trả về để thực hiện lại, làm kéo dài thời gian lập, phê duyệt dự án. Mặt khác, một số đơn vị chủ đầu tư chưa tích cực triển khai thực hiện dự án, cụ thể: Kế hoạch năm 2020 tỉnh giao vốn để khởi công mới 68 dự án nhưng đến nay mới có 31 dự án được khởi công, còn 37 dự án chưa xong thủ tục hồ sơ, chưa tổ chức đấu thầu xây lắp. Nhiều dự án được bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất 1.254,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 38,4% tổng vốn đầu tư bố trí cho các công trình), nhưng trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu này mới thực hiện được 17,3%, dẫn đến không đảm bảo nguồn để thanh toán, giải ngân. Cùng với đó, tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến tiến độ thi công các công trình cũng bị ảnh hưởng do không tập trung được nhân công để thi công công trình…

Quyết liệt triển khai các giải pháp

Phát biểu tại Kỳ họp Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Những nêu rõ: “Tiến độ giải ngân vốn tuy cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn quá chậm so với kế hoạch. Đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt hơn để cải thiện tình trạng này, cần xem xét vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời cần sớm xác định rõ nguyên nhân ách tắc ở khâu nào, vướng ở đâu để có biện pháp xử lý một cách quyết liệt và có biện pháp điều chuyển vốn kịp thời, rà soát điều chuyển vốn cho các dự án khác có khả năng giải ngân cao và phù hợp quy định”.

Xây dựng hồ thủy lợi Ea H’leo. Ảnh: M.Thông
Xây dựng hồ thủy lợi Ea H’leo. Ảnh: M.Thông

Thông tin thêm về vấn đề giải ngân vốn đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết: UBND tỉnh đã có nhiều nội dung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh kết quả giải ngân vốn đầu tư công như: tổ chức một số cuộc họp chuyên đề xây dựng cơ bản; ban hành văn bản để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp như: tổ chức họp hằng tháng để chỉ đạo công tác đầu tư công; tập trung chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (phân loại vướng mắc giải phóng mặt bằng trong từng dự án để chỉ đạo, giải quyết); đẩy mạnh việc thu tiền sử dụng đất để đảm bảo nguồn thanh toán cho các dự án.

Đồng thời cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thành hồ sơ dự án để phê duyệt, tổ chức đấu thầu xây lắp, triển khai thi công dự án; lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực để tư vấn lập hồ sơ đúng quy định, đảm bảo chất lượng. Các chủ đầu tư đăng ký thời gian giải ngân vốn theo tiến độ từng thời điểm: 30-6, 30-9, 31-12 và 21-1-2021 gửi về UBND tỉnh để kịp thời điều chuyển vốn của các công trình giải ngân chậm cho các công trình giải ngân vốn tốt, có nhu cầu thêm vốn để giải ngân; xác định cụ thể trách nhiệm của các chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án chậm tiến độ để tùy theo mức độ xử lý theo quy định…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.