Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống rau

09:07, 09/07/2020

Với diện tích sản xuất rau hằng năm khoảng 1.800 ha, mỗi năm đạt sản lượng gần 40 nghìn tấn rau các loại, TP. Buôn Ma Thuột cần số lượng giống cây rau rất lớn. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, vừa qua Tinh Hoa Farm thuộc Công ty TNHH Viết Hiền đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại giống cây con rau quả.

Khu vườn ươm của Tinh Hoa Farm có diện tích hơn 1.500 m2 được thiết kế ứng dụng công nghệ cao phục vụ tốt nhất cho việc ươm, gieo các hạt giống. Nhiều nông dân sản xuất rau chủ động tìm đến đặt giống cây con tại Tinh Hoa Farm, trong đó có những nhà vườn đem hạt giống đến cho Tinh Hoa Farm gieo, đến lúc cây con trưởng thành lấy về trồng.

Nhà màng của vườn được thiết kế với loại màng lợp phủ mái bằng polyethylene có các tính năng bảo vệ cây trồng, chống bám bụi, độ dẻo dai cao, chịu lực tốt, ngăn côn trùng sâu bệnh, có độ truyền sáng 90% để tăng quá trình quang hợp cho cây, tạo ánh sáng khuếch tán đồng đều; có hệ thống tưới phun sương tự động, lưới cắt nắng và hệ thống làm mát cho cây con, tạo môi trường thích hợp theo nhu cầu sinh trưởng để cây rau giống đạt chất lượng; có cửa sổ thông gió đỉnh mái giúp thoát khí nóng, CO2 và tạo điều kiện trao đổi không khí trong nhà màng, bảo đảm cây giống phát triển tốt.

Nhân viên Tinh Hoa Farm vận hành máy đóng giá thể vào khay để ươm cây rau con.
Nhân viên Tinh Hoa Farm vận hành máy đóng giá thể vào khay để ươm cây rau con.

Từng khâu của quy trình sản xuất cây con đều áp dụng công nghệ tự động và bán tự động. Hạt giống rau có nguồn gốc, xuất xứ xử lý theo nguyên tắc 3 sôi + 2 lạnh trong 2 giờ để phá miên trạng (tình trạng đang ở thời kỳ ngủ nghỉ) hạt giống, vớt ra, rửa sạch nhớt bằng nước sạch, sau đó đem gieo. Giá thể được làm từ xơ dừa, trấu hun và phân trùn quế trộn đều, có độ ẩm khoảng 25 - 30% trước khi bỏ vào vỉ xốp (khay) để gieo hạt giống (khay có 2 loại: 84 lỗ và 112 lỗ). Trang trại sử dụng máy đóng giá thể vào khay để ươm cây con, vừa nhanh vừa đảm bảo giá thể không bị đóng quá chặt sẽ ảnh hưởng đến phát triển của cây con sau này. Sau khi khay xốp đã đóng giá thể, tiến hành dùng máy để gieo ươm hạt, mỗi lỗ trên khay xốp chỉ gieo một hạt giống. Khi gieo hạt vào khay xong dùng ô-doa tưới nước đủ ẩm (độ ẩm đạt 80%) rồi xếp các khay vào khu vực mát và kín gió từ 2 - 3 ngày, sau đó chuyển ra khu vườn ươm cây con giống.

Cây con được tưới nước phun sương tự động mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, tưới đủ ẩm, không tưới quá ướt làm cây bị úng, không phát triển được. Sau gieo khoảng thời gian 18 – 25 ngày tùy loại rau, cây con đủ điều kiện tiêu chuẩn, không dị hình, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh sẽ được đem ra trồng sản xuất.

Khu nhà màng ươm cây rau giống của Tinh Hoa Farm.
Khu nhà màng ươm cây rau giống của Tinh Hoa Farm.

Việc sản xuất các giống rau ứng dụng công nghệ cao là biện pháp tối ưu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời kỳ cây con, giúp cây con mang ra gieo trồng sản xuất phát triển tốt, khỏe mạnh. Anh Nguyễn Đức Khoa, chủ nhân của mô hình sản xuất rau hữu cơ Công ty HT.Farm tại buôn Ky, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) là khách hàng thường xuyên mua cây giống rau của Tinh Hoa Farm. Các loại giống rau anh Khoa thường mua như súp lơ, bắp sú, cải thảo, rau dền, bầu, bí…. Khi mang trồng thì cây rất khỏe, ít sâu bệnh, phát triển nhanh, đặc biệt là chủ động được thời gian sản xuất để cung cấp sản phẩm kịp thời cho người tiêu dùng.

Tương tự, anh Trịnh Ngọc Trọng (ở thôn 7, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) có 2 sào rau các loại, phần lớn các giống rau như cà chua, dưa leo, các loại xà lách, cải… anh đều đặt mua tại Tinh Hoa Farm vì giống cây con ở đây phát triển đều, khỏe, ít sâu bệnh, nhanh lớn hơn so với tự sản xuất cây giống ở vườn nhà, đỡ mất thời gian, công sức gieo trồng nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, tại Tinh Hoa Farm cũng có nhiều hộ gia đình mua cây con về trồng trong các thùng xốp đặt ở ban công, sân hè để có rau sạch sử dụng.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.