Vận hành công trình thủy điện: Điều tiết hợp lý nguồn nước cho hạ du
Bên cạnh công tác sản xuất điện, việc bảo đảm quy trình vận hành hồ chứa cũng được các nhà máy thủy điện chú trọng nhằm cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô và bảo đảm an toàn công trình, hạn chế ngập lụt trong mùa mưa.
Trên lưu vực sông Sêrêpốk có 12 nhà máy thủy điện bậc thang đang hoạt động, với tổng công suất 841 MW. Các nhà máy này thuộc sự quản lý của nhiều chủ công trình, hạ du ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện Lắk, Buôn Đôn, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột. Riêng Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (thuộc Tổng Công ty Phát điện 3) quản lý, vận hành 3 nhà máy thủy điện lớn nhất: Buôn Tua Srah (công suất 86 MW), Buôn Kuốp (280 MW) và Sêrêpôk 3 (220 MW).
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình thủy văn trên lưu vực sông Sêrêpốk và các nhà máy thủy điện của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý không được thuận lợi. Lưu lượng nước về hồ chứa luôn ở mức thấp hơn so với lưu lượng về hồ trung bình nhiều năm, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất điện. Tuy nhiên, công ty đã triển khai có hiệu quả công tác điều hành, sản xuất điện an toàn và điều tiết nước cho hạ du.
Đập tràn Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, đầu nguồn sông Sêrêpốk. |
Hồ chứa Thủy điện Buôn Tua Srah là hồ đầu nguồn, điều tiết nước cho cả dòng sông Sêrêpốk. Hiện lưu lượng nước về hồ chứa rất thấp (khoảng 15 m3/s), thấp hơn cùng kỳ và so với trung bình những năm trước. Do đó, mực nước hồ Buôn Tua Srah đã suy giảm nhanh, ở cao trình gần 467 m, chỉ cao hơn mực nước chết khoảng 1,5 m, lượng nước tích trữ trong hồ còn 5%.
Đây là khó khăn rất lớn đối với công tác vận hành hồ chứa để đảm bảo cung cấp nước cho hạ du, bởi sự vận hành của các nhà máy thủy điện phía hạ lưu và nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các địa phương dọc sông Sêrêpốk phụ thuộc rất lớn vào sự điều tiết hồ chứa Buôn Tua Srah.
Công ty đã chủ động làm việc với các huyện dọc sông, hạ lưu nhà máy để hằng tháng cập nhật nhu cầu sử dụng nước nhằm khai thác các tổ máy và nguồn nước theo phương án tối ưu, vừa bảo đảm nhu cầu cấp nước hạ du, đồng thời phát điện hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp, hỗ trợ các địa phương phía hạ du nhà máy điều tiết hồ chứa, gia tăng lượng nước cấp ở một số thời điểm phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp.
Công trình thủy điện Sêrêpôk 4 tại xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. |
Năm 2020, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp được giao sản lượng điện 2,379 tỷ kWh. Từ đầu năm đến nay, sản lượng phát điện của 3 nhà máy thuộc công ty đạt 543 triệu kWh, tương đương gần 23% kế hoạch. |
Đối với mùa mưa lũ sắp tới, công ty tuân thủ tuyệt đối quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Sêrêpốk đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên như sau: bảo đảm an toàn công trình, góp phần giảm lũ cho hạ du và không gây biến động dòng chảy đột ngột vùng biên giới Việt Nam - Campuchia; bảo đảm hiệu quả cấp nước, phát điện và dòng chảy tối thiểu trên sông. Công ty nghiên cứu, thống kê tình hình mưa lũ từ các trạm đo mưa ở lưu vực xung quanh, mực nước ở các nhánh sông, lưu lượng xả qua các bậc thang, từ đó dự báo lưu lượng nước về, thời gian hình thành đỉnh lũ để quyết định phương án điều tiết, xả lũ phù hợp.
Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp Nguyễn Đức, đơn vị đã thiết lập 19 trạm cảnh báo từ xa qua sóng di động xung quanh các nhà máy, dọc bờ sông, tập trung vào các khu vực đông dân cư, người dân hay qua lại để thông báo đến chính quyền và nhân dân địa phương về tình hình chạy máy và điều tiết nước về vùng hạ du. Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết, sát với tình hình và đặc điểm của từng đơn vị với phương châm "4 tại chỗ".
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông trong việc vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trong mùa lũ cũng được thực hiện chặt chẽ để không gây ngập lụt vùng hạ du, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc