Multimedia Đọc Báo in

Vụ người dân "vây" Trạm thu phí trên Quốc lộ 26: Chủ đầu tư cần sớm giải quyết thấu đáo với người dân

11:25, 10/07/2020

Trong quá trình cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 26 và hạng mục Trạm thu phí (tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar), các đơn vị thi công đã sử dụng máy móc hạng nặng, tạo ra rung chấn mạnh, ảnh hưởng nhà cửa và các công trình xây dựng của người dân trong vùng.

Đơn vị chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV CICO 501 BOT Quốc lộ 26 (gọi tắt là Công ty) đã nhiều lần cam kết sẽ đánh giá mức độ thiệt hại để bồi thường thỏa đáng cho người dân. Tuy nhiên, đến nay việc thỏa thuận đền bù vẫn chưa đi đến thống nhất khiến người dân vô cùng bức xúc.

Sự việc lên đến đỉnh điểm vào sáng 2-7 vừa qua, khoảng 20 người dân đã dàn hàng ngang ra đường và dùng một số vật dụng làm rào chắn không cho xe qua lại Trạm thu phí nhằm phản đối Công ty. Theo phản ánh của người dân, năm 2015, Công ty bắt đầu triển khai thi công công trình cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 26 đoạn đi qua xã Ea Đar. Đến năm 2016 thì thi công hạng mục Trạm thu phí và nâng cấp, cải tạo đến khu vực thôn 7, thôn 8, thôn Hữu Nghị (xã Ea Đar). Trong quá trình thi công, do sử dụng nhiều máy móc hạng nặng đã tạo rung chấn mạnh khiến nhà cửa và các công trình khác của người dân trong vùng bị nứt móng, nứt tường, cửa sổ và cửa chính bị rung lắc, xô lệch làm biến dạng, kính bị vỡ... Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với chính quyền địa phương đề nghị đơn vị thi công có biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời đánh giá mức độ thiệt hại để đền bù, khắc phục thiệt hại.

Người dân ở thôn 7, xã Ea Đar phản ánh việc công ty thi công trạm BOT khiến nhà cửa bị hư hỏng.
Người dân ở thôn 7, xã Ea Đar phản ánh việc công ty thi công trạm BOT khiến nhà cửa bị hư hỏng.

Đến tháng 3-2017, UBND xã Ea Đar đã mời người dân cùng đại diện chủ đầu tư đến làm việc. Tại đây, đại diện Công ty đã cam kết là sau ngày 30-4-2017 sẽ cùng chính quyền địa phương và đơn vị chức năng giám định, xác định mức hỗ trợ thiệt hại do quá trình thi công gây nên cho các hộ dân. Việc này chậm nhất phải được thực hiện trước ngày 31-5-2017. Tuy nhiên, từ thời điểm đó cho đến khi Trạm thu phí đi vào hoạt động, phía Công ty không có động thái gì về việc đền bù, khắc phục thiệt hại do quá trình thi công gây nên. Trong khi đó, nhà cửa tiếp tục xuống cấp, hư hỏng nên người dân bức xúc và phản ánh nhiều lần tới các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

 
“UBND huyện Ea Kar sẽ thành lập tổ công tác có đầy đủ ban, ngành, chính quyền địa phương cùng với nhà đầu tư đi tới nhà người dân xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại để có hướng giải quyết khách quan, không cào bằng trong hỗ trợ, bồi thường”.
 
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà

Mãi đến ngày 23-4-2020, đại diện Công ty mới thống nhất là sẽ phối hợp với UBND xã Ea Đar tổ chức rà soát, tiến hành đền bù cho người dân trước ngày 10-5-2020. Tuy nhiên, đến thời điểm trên, phía Công ty chỉ cử người đến thương lượng hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ. Ông Lương Văn Nghĩa (SN 1952, trú thôn 7, xã Ea Đar) bức xúc: “Nhà tôi bị nứt móng, nứt tường, hư hỏng mái tôn với thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Thế nhưng suốt 3 năm qua, phía Công ty cứ chây ỳ không chịu bồi thường. Nay thì chỉ đồng ý hỗ trợ 3 triệu đồng là không thỏa đáng”. Còn ông Nguyễn Bình Hưởng (SN 1952, trú thôn 7, xã Ea Đar) trần tình: “Chúng tôi rất cảm thông với Công ty vì xảy ra sự cố trong thi công là điều không ai mong muốn. Người dân cũng không dựa cớ để ăn vạ, vòi tiền của Công ty. Tuy nhiên, việc hỗ trợ như thế là không chính đáng và không công bằng cho dân. Ngay như ngày 2-7 vừa rồi, chúng tôi biết rằng việc tập trung đông người, chặn xe khiến Trạm thu phí ùn tắc giao thông là điều không nên làm. Tuy nhiên do Công ty đã hứa hẹn với dân quá nhiều lần mà không thực hiện khiến chúng tôi quá bức xúc”.

Người dân kéo đến Trạm thu phí Ea Đar vào sáng 2-7-2020.    Ảnh: Quang Vinh
Người dân kéo đến Trạm thu phí Ea Đar vào sáng 2-7-2020. Ảnh: Quang Vinh

Liên quan đến vụ việc này, vào chiều 6-7, UBND huyện Ea Kar đã có buổi làm việc với đại diện Công ty để tìm hướng xử lý, giải quyết. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Trọng, đại diện phía Công ty cho rằng mức đòi bồi thường của 18 hộ dân, thấp nhất 30 triệu đồng, cao nhất 100 triệu đồng là quá cao nên Công ty khó có thể đáp ứng được. Ông Trọng nói thêm: "Nhà cửa của người dân sau một thời gian sử dụng thì cũng phải bị hư hỏng, xuống cấp chứ không thể quy kết tất cả là do đơn vị thi công gây ra được. Ngoài ra, phần lớn nhà cửa, ki-ốt của các hộ dân đều vi phạm hành lang an toàn giao thông nên việc bị hư hỏng thì người dân không thể đòi hỏi bồi thường lớn hoặc kiện Công ty được"(!?).

Không đồng ý với quan điểm của đại diện phía Công ty, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar khẳng định: "Nhà cửa của người dân có trước, đường quy hoạch sau nên việc bảo người dân vi phạm hành lang an toàn giao thông là không hợp lý. Chủ đầu tư cần phải nhận trách nhiệm về mình để từ đó tìm hướng giải quyết, hỗ trợ cho người dân một cách hài hòa, bảo đảm lợi ích lẫn nhau". 

Hà Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.