Xe lưu động đưa vốn tín dụng đến vùng sâu
Lắk là huyện vùng sâu vùng xa, địa bàn rộng, điều kiện đi lại không thuận lợi. Bình quân mỗi cán bộ tín dụng ở đây phải quản lý hơn 1.000 hộ vay vốn, nên việc đáp ứng nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, tháng 11-2018, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã đưa vào hoạt động điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng. Cùng với đó, Agribank chi nhánh huyện Lắk cũng thành lập tổ giải ngân bên ngoài có 10 nhân viên, xử lý hạn mức vay cho mỗi khách hàng tối đa 200 triệu đồng. Điểm giao dịch xe lưu động gần nhất cách trung tâm huyện 20 km, xa nhất là hơn 60 km, phục vụ cho người dân các xã Buôn Triết, Ea Rbin, Nam Kar và Krông Nô, luân phiên các xã theo tần suất 7 ngày/lần.
Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng của Agribank Đắk Lắk hoạt động tại xã Buôn Triết, huyện Lắk. |
Xã Buôn Triết có 15 thôn, buôn, với trên 1.800 hộ, đa số bà con đều làm nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa nước. Vào vụ, hầu hết người dân đều cần vốn đầu tư mua vật tư, phân bón chăm sóc lúa và các loại cây trồng. Trước đây, để vay vốn, người dân phải đi 20 km ra trung tâm huyện làm thủ tục, thậm chí vay nóng bên ngoài, nhưng từ khi có xe lưu động về phục vụ tận nơi, tình trạng này không còn nữa.
Ông Phạm Văn Thái, thôn Kiến Xương, xã Buôn Triết cho biết, gia đình ông có 1,2 ha đất trồng lúa và hơn 5 sào cà phê, đang rất cần tiền mua vật tư phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc cây trồng. Vừa qua, ông liên hệ với cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh huyện Lắk để được tư vấn tại nhà và đã được tư vấn kỹ lưỡng, kiểm tra, thẩm định thực tế vườn cây, tài sản... Đến phiên giao dịch vào giữa tháng 6-2020, ông Thái ra trụ sở UBND xã, nơi ngân hàng lưu động đang hoạt động để hoàn tất thủ tục và nhận 150 triệu đồng vốn vay. Ông cho biết, dịch vụ từ ngân hàng lưu động này vừa tiện lợi, vừa nhanh gọn, không phải đi xa và chờ đợi như trước đây.
Đánh giá về mô hình ngân hàng lưu động, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết Nguyễn Đăng Trọng cho biết, hơn một năm qua, từ khi có những phiên giao dịch lưu động tại trụ sở UBND xã, người dân rất thuận tiện trong việc vay vốn cũng như thực hiện các giao dịch. Nguồn vồn tín dụng được đưa về tận nơi giúp người dân có kinh phí đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Hữu Xuân, Giám đốc Chi nhánh Agribank huyện Lắk, nhờ khai thông kênh dẫn vốn từ điểm giao dịch lưu động nên nguồn vốn tín dụng cung ứng cho các địa bàn tại 4 xã vùng sâu của huyện đạt 224 tỷ đồng, trong đó, xã Buôn Triết: 98 tỷ đồng, Krông Nô: 78 tỷ đồng, Nam Ka: 22 tỷ đồng và Ea Rbin: 26 tỷ đồng. Xe lưu động đã giúp người dân giảm chi phí giao dịch, bảo đảm việc giải ngân và rút tiền được an toàn hơn vì không phải mang số tiền lớn đi xa, đồng thời được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng tiện ích. Cũng nhờ bà con tiếp cận vốn một cách thuận lợi, an toàn nên hiện tượng vay nóng, vay lãi suất cao của "tín dụng đen" đã được hạn chế đáng kể.
Điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng tại huyện Lắk là mô hình đầu tiên được Agribank Đắk Lắk triển khai trên địa bàn tỉnh. Tại đây, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch gửi tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, vay vốn, thu nợ, thu lãi, chuyển tiền qua tài khoản, mở tài khoản thanh toán và đăng ký sử dụng các dịch vụ. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc