Multimedia Đọc Báo in

Cần khuyến cáo người dân không phun thuốc diệt cỏ trên đường giao thông

09:24, 19/08/2020

Dù quy định cấm sử dụng thuốc diệt cỏ trên đường giao thông đã được ban hành từ lâu, song tại nhiều khu dân cư, người dân vẫn vô tư sử dụng biện pháp này thay cho các biện pháp cơ học như nhổ cỏ, cắt, xạc, phát quang… gây nhiều hệ lụy về môi trường và đời sống.

Dọc các tuyến đường giao thông nông thôn, thậm chí tại cả những tuyến giao thông ở các tổ dân phố, khu dân cư tập trung, không khó để thấy những vạt cỏ úa vàng, héo rũ dù đang trong thời điểm mùa mưa. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của hành vi phun thuốc diệt cỏ.

Lượng thuốc tồn dư trên mặt đất sẽ ngấm sâu vào lòng đất, phát tán theo nước mưa làm nhiễm độc môi trường xung quanh, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây tác động xấu đến sức khỏe con người. Đây cũng là nỗi khiếp sợ của những người chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê, thỏ…

Nhiều trường hợp người chăn nuôi thả rông gia súc hoặc vô tình cắt phải các loại cỏ, cây đã bị phun thuốc diệt cỏ làm thức ăn khiến các loại vật nuôi này bị ngộ độc nặng mà chết hoặc bị suy kiệt do lở loét đường tiêu hóa.

Người dân phun thuốc diệt cỏ tại một tuyến đường trên địa bàn xã Ea Răl, huyện Ea H’leo.
Người dân phun thuốc diệt cỏ tại một tuyến đường trên địa bàn xã Ea Răl, huyện Ea H’leo.

Việc người dân vẫn vô tư sử dụng thuốc diệt cỏ để dọn vệ sinh đường giao thông một phần xuất phát từ yếu tố thuận tiện của phương pháp này. Thay vì tốn nhiều công sức cắt, dọn, phát quang thì một người chỉ cần mất vài chục phút là có thể phun thuốc diệt cỏ trên một đoạn đường dài. Phần nguyên nhân khác đến từ sự bừa bãi, tùy tiện trong việc sử dụng các loại thuốc hóa học phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống vẫn tồn tại lâu nay.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính có thể nhận định là do người dân chưa ý thức được đây là hành vi bị pháp luật cấm. Việc tuyên truyền quy định về việc cấm sử dụng thuốc diệt cỏ trên đường giao thông vẫn chưa được coi trọng, nhất là chưa được lồng ghép trong các buổi phát động bảo vệ môi trường, các hoạt động phổ biến pháp luật, các cuộc họp ở khu dân cư…

Do đó, nhiều người vẫn cho rằng việc phun thuốc diệt cỏ ven đường giao thông là "bình thường", là hành động đóng góp cho việc giữ gìn vệ sinh chung chứ không ý thức được đây là hành vi đe dọa sức khỏe, đời sống của chính mình và cộng đồng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc, nâng cao nhận thức của người dân về việc không lạm dụng thuốc diệt cỏ nói riêng và các chế phẩm hóa học độc hại nói chung trong các hoạt động của khu dân cư cũng như đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó, cần tiếp tục vận động nhân dân nhân rộng các con đường hoa để làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Đinh Nga

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.