Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Krông Bông: Thủy lợi đi trước một bước

09:20, 19/08/2020

Ngày 27-12-2016, Đảng bộ huyện Krông Bông đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2015 – 2020; trong đó xác định để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thì giải pháp thủy lợi phải đi trước một bước.

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HU và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, trên cơ sở lồng ghép nguồn vốn dự án giảm nghèo bền vững, vốn Chương trình 135 và các dự án khác, huyện đã ưu tiên sửa chữa và xây dựng mới 39 công trình thủy lợi như: Đập Trâp Lei (xã  Cư Drăm); các đập Sơn Phong, đập Buôn Ngô B (xã Hòa Phong); đập Hố Kè, đập An Ninh (xã Hòa Lễ); trạm bơm Ea Trul, Hòa Lễ… và bê tông hóa trên 105 km kênh mương đảm bảo tưới tiêu ổn định cho 13.335 ha cây trồng các loại, đạt 79% so với tổng diện tích.

Đập Sơn Phong (xã Hòa Phong) được xây dựng đưa vào sử dụng năm 2018.
Đập Sơn Phong (xã Hòa Phong) được xây dựng đưa vào sử dụng năm 2018.

Chủ trương đúng đắn này đã góp phần đưa năng suất lúa trên địa bàn huyện đạt bình quân 6,3 tấn/ha/vụ, tăng 0,9 tấn/ha so với năm 2015; giá trị thu nhập bình quân từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Bình quân thu nhập đầu người năm 2020 ước đạt 28,6 triệu đồng, tăng 11,5 triệu đồng so với năm 2015… Diện mạo nông thôn từng bước “thay da đổi thịt”, nếu năm 2015 toàn huyện mới đạt được 91 tiêu chí nông thôn mới (bình quân 7 tiêu chí/xã) thì đến năm 2020 dự kiến đạt 153 tiêu chí (bình quân 11,77 tiêu chí/xã)…

Với nông dân xã Hòa Phong, từ năm 2017 đến nay đã được Nhà nước đầu tư, xây dựng kiên cố 2 công trình thủy lợi và sửa chữa, nâng cấp 1 đập tràn, bê tông hóa hệ thống kênh mương, đảm bảo đủ nước tưới trong suốt vụ, bà con đã tiến hành cải tạo trên 15 ha đất trồng hoa màu sang trồng lúa nước 2 vụ, đạt năng suất 14 tấn/ha/năm. Rất nhiều gia đình trong xã có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm từ trồng lúa.

Đặc biệt, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, đời sống được cải thiện rõ rệt. Đơn cử như gia đình ông Lý Trường Phú (ở thôn 7, xã Hòa Lễ) có 2,5 ha lúa ở cánh đồng Hố Kè, trước đây do không ổn định nguồn nước tưới nên năng suất lúa bấp bênh. Từ khi được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng đập Hố Kè và kiên cố  hóa kênh mương, gia đình ông được khuyến khích chuyển sang gieo sạ giống lúa Nhị ưu 838 thì thu nhập được cải thiện rõ rệt. Mỗi năm gia đình ông Phú thu được 45 tấn lúa, sau khi trừ chi phí có lãi trên 120 triệu đồng. Hay như gia đình ông Trần Phú Đồng (ở xã Cư Pui), được Trạm Khuyến nông huyện giới thiệu, năm 2019 ông đã đầu tư trên 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 4 con bò giống BBB về nuôi vỗ béo thử nghiệm; sau 10 tháng chăm sóc, ông thu được 80 triệu đồng.

Phát triển thủy lợi, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, trên địa bàn huyện đã hình thành nên các vùng chuyên canh như: sản xuất ngô lai giống F1 (LVN10) 350 ha ở xã Hòa Tân; vùng chuyên canh mía gần 900 ha ở các xã Cư Kty, Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Hòa Lễ…; chuyên canh dứa đồi trên 500 ha ở những xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao…; vùng chuyên canh lúa, sắn ở hầu hết các xã, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực toàn huyện lên gần 434.000 tấn.

Về vật nuôi, huyện đã thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giống bò ngoại như: Brahman, Red Angus, Durocmaster, BBB; đến nay đã có trên 8.000 con bò được sinh sản qua phương pháp này. Đồng thời, đưa giống dê lai Bách thảo thay dần cho giống dê địa phương; mở rộng nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học, nuôi heo siêu nạc; nuôi bò thịt nhốt chuồng vỗ béo. Chăn nuôi theo hướng trang trại được khuyến khích phát triển đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản cũng được mở rộng về quy mô như mô hình nuôi cá tầm, cá lăng ở các xã Cư Drăm, Yang Mao, Hòa Lễ…

Mai Viết Tăng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.