Đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
09:46, 18/08/2020
Cư M’gar có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái. Toàn huyện có trên 82.000 ha đất tự nhiên; trong đó, có khoảng 66.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, 11.000 ha đất trồng cây hằng năm, 52.000 ha đất trồng cây lâu năm.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 4-10-2016 của Tỉnh ủy về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, đến nay huyện đã từng bước quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho từng nhóm cây trồng.
Ở nhóm cây ngắn ngày, huyện chọn cây ngô là cây trồng chủ lực, với việc quy hoạch vùng sản xuất ngô tập trung rộng khoảng 10.000 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 80.000 tấn. Ngoài sản xuất ngô thương phẩm, huyện cũng đang triển khai phát triển thêm ngô sinh khối để làm thức ăn cho gia súc lớn. Đối với cây trồng lâu năm thì cà phê vẫn là cây trồng chủ lực với diện tích trên 37.000 ha.
Từ năm 2014 đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã thực hiện tái canh khoảng 4.700 ha cà phê già cỗi, kém năng suất, thay bằng những loại giống có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng.
Đơn cử, gia đình anh Nguyễn Hạnh (ở tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú) có 6,5 sào cà phê trồng từ năm 1994 đã già cỗi, năng suất thấp nên đã chặt bỏ và tiến hành tái canh toàn bộ diện tích. Đến nay, vườn cây đã bước vào giai đoạn kinh doanh với nhiều ưu điểm vượt trội như: quả to, chín đều, vỏ mỏng, nhân dày và ít sâu bệnh, vụ mùa 2019 - 2020 đạt sản lượng gần 1 tấn nhân (trước đây chỉ khoảng 3 - 4 tạ).
Mô hình tái canh cây cà phê của gia đình anh Nguyễn Hạnh (ở tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú). |
Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M'gar Phạm Quang Mười, việc tái canh cà phê trên địa bàn huyện bắt đầu từ năm 2012 nhưng phát triển mạnh nhất là từ năm 2014 - 2016. Trong số diện tích cà phê tái canh, hiện có khoảng 1.700 ha đã bước vào giai đoạn kinh doanh; chất lượng giống bảo đảm cộng với được đầu tư, chăm sóc kỹ nên nhiều vườn cây cho năng suất rất cao, có nhiều vườn cho thu bói đạt 3 tấn nhân/ha; khi bước vào giai đoạn kinh doanh chính có thể lên đến 5 tấn nhân/ha, cao hơn nhiều so với trước đây...
Ngoài ra, huyện Cư M’gar còn tích cực vận động người dân cải tạo diện tích vườn tạp sản xuất không hiệu quả để hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 3.000 ha cây ăn quả, gồm 1.700 ha sầu riêng, 1.300 ha bơ, 400 ha mít trồng xen và nhiều loại cây khác. Huyện chọn xã Ea Tar để xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích trên 500 ha.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Thanh Hải (buôn Ea Riêng, xã Ea Tar) đã mạnh dạn chuyển hướng từ trồng cà phê sang chuyên canh cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, với 500 cây sầu riêng, trong đó có 400 cây đang trong giai đoạn kinh doanh, gia đình ông thu được gần 80 tấn quả (bình quân sản lượng trên 150 kg/cây) bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm…
Ở lĩnh vực chăn nuôi, huyện Cư M’gar cũng đang chuyển đổi dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch xây dựng các trang trại lạnh. Toàn huyện hiện có 26 trang trại chăn nuôi tập trung; trong đó có 14 trang trại lạnh, công nghệ cao nuôi heo, gà.
Huyện chọn gia súc, gia cầm là vật nuôi chủ lực trong phát triển chăn nuôi; khuyến khích bà con đưa nhiều loại giống mới vào chăn nuôi, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao như: thỏ New Zealand, bò lai Sind và bò Brahman, dê bách thảo. Đàn trâu, bò hiện nay có khoảng 14.500 con, đàn heo 42.000 con, 500.000 con gia cầm, 11.000 con dê… Đặc biệt, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện gắn liền với xây dựng chuỗi liên kết và đã xây dựng được 13 chuỗi liên kết để hợp tác sản xuất.
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar Phạm Quang Mười khẳng định: “Huyện Cư M’gar đã và đang tập trung đổi mới tư duy trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời phát triển các vùng sản xuất theo hướng an toàn, bền vững gắn với liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc