Multimedia Đọc Báo in

Hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo, nấm

10:37, 11/08/2020
Với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, huyện Krông Ana có một số nông sản như gạo, nấm được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
 
Nâng vị thế nhãn hiệu "Gạo Krông Ana"
 
Huyện Krông Ana có hơn 11.000 ha lúa nước, tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl và thị trấn Buôn Trấp. Trong những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện đã canh tác thành công nhiều giống lúa đặc sản, có năng suất, chất lượng cao như: RVT, HT1, VS1, OM4900, OM6162… Trong đó, giống RVT được trồng phổ biến nhất, chiếm khoảng 40% tổng diện tích lúa nước toàn huyện, OM4900 chiếm 20%, OM6162 chiếm 10%...
 
Thực hiện Quyết định số 1171/QĐ-UBND, ngày 18-5-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục dự án tạo lập nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 400/QĐ-SKHCN, ngày 27-12-2017 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc cho phép thực hiện Dự án “Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận Gạo Krông Ana”, huyện Krông Ana xác định đây là lĩnh vực mới, vừa làm vừa học hỏi, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện.
 
Qua gần 2 năm thực hiện, ngày 1-10-2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 85768/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Để nhãn hiệu đi vào sử dụng trong thực tế, UBND huyện đã tổ chức một số hoạt động nhằm đưa sản phẩm gạo Krông Ana thành thương hiệu có uy tín và có sức cạnh tranh trên thị trường như: Hội thảo công bố, quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”, qua đó tuyên truyền, quảng bá để người dân, tổ chức và doanh nghiệp hiểu rõ các quyền lợi cơ bản khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”, cũng như quy trình liên quan đến nhãn hiệu. 
 
Mô hình  trồng nấm  tại HTX  nấm linh chi  và dịch vụ  nông nghiệp  Krông Ana.
Mô hình trồng nấm tại HTX nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana.
Đồng thời vận động, khuyến khích nông dân đổi mới phương thức sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường; thực hiện các quy trình sản xuất đối với sản phẩm nhằm giữ vững và duy trì nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”; đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ vào sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và chế biến để tiêu thụ trên thị trường. Huyện đã lựa chọn HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) để thí điểm sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”. Hiện tại, HTX đã đầu tư dây chuyền xay xát gạo, nộp hồ sơ đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”.
 
Tạo lập vị trí cho “Nấm Krông Ana”
 
Với nhiệt độ trung bình từ 23 - 240C, độ ẩm tương đối hằng năm 81- 83%, huyện Krông Ana có điều kiện thuận lợi để trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu quanh năm. Huyện có nguồn nguyên liệu phong phú phục vụ phát triển nghề trồng nấm như lúa, ngô, rơm, mùn cưa tạp, sắn… Đặc biệt, các vựa lúa Buôn Triết, Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl… cung cấp khoảng 63 nghìn tấn rơm/năm. 
 
Các mô hình trồng nấm bắt đầu hình thành ở huyện Krông Ana nhiều năm về trước và từ năm 2015 đến nay phát triển mạnh, với các loại nấm thực phẩm được thị trường ưa chuộng như bào ngư, sò, rơm. Những năm gần đây, các loại nấm dược liệu như: nấm linh chi, trà tân, vân chi… cũng được thị trường ngoài tỉnh quan tâm, với nhiều đơn đặt hàng. 
 
Bí thư Huyện ủy Krông Ana Nguyễn Kính thăm khu trưng bày gạo hữu cơ của HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa).
Bí thư Huyện ủy Krông Ana Nguyễn Kính thăm khu trưng bày gạo hữu cơ của HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa).
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có khoảng 200 hộ trồng nấm thường xuyên, tập trung chủ yếu ở xã Quảng Điền, thị trấn Buôn Trấp. Song hiện nay việc mua bán sản phẩm nấm trên địa bàn huyện còn ít, chủ yếu đưa đi tiêu thụ ngoài huyện, chưa có nhãn hiệu và tạo lập được vị trí của mình trên thị trường nên tính cạnh tranh chưa cao. Vì vậy, huyện xác định việc xây dựng nhãn hiệu “Nấm Krông Ana” là hết sức cần thiết.
 
Năm 2019, UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện Dự án tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Nấm Krông Ana”, hiện đã hoàn thiện các hồ sơ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ gửi về Cục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, huyện cũng đã tổ chức cuộc thi sáng tạo logo cho sản phẩm nấm huyện Krông Ana. Hiện nay, huyện Krông Ana đã và đang hoàn tất các văn bản, hồ sơ liên quan trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nấm Krông Ana”.
 
Bí thư Huyện ủy Krông Ana Nguyễn Kính cho biết, thời gian tới huyện sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho một số cây trồng chủ lực. Trong đó, ưu tiên sử dụng các bộ giống mới cho năng suất, chất lượng cao, có thể thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế các vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao tại các xã Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl và thị trấn Buôn Trấp, góp phần nâng cao giá trị của nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” và mở rộng sản xuất, chế biến nâng cao giá trị các loại nấm gắn với xây dựng nhãn hiệu “Nấm Krông Ana” trong tương lai.
 
Hoàng Tuyết
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.