07:51, 27/08/2020
Những năm gần đây, nhiều người dân ở huyện Buôn Đôn đã mạnh dạn đầu tư kinh phí cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Miệt vườn trên cao nguyên
6 năm trước, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây ăn trái, gia đình chị Nguyễn Thị Bảy ở thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl) đã chuyển đổi một số diện tích đất cằn cỗi, đồi dốc sang trồng cam sành, quýt, bưởi da xanh. Đến nay, chị Bảy trồng được khoảng 900 cây ăn trái, trong đó có 300 cây đang cho thu hoạch, mỗi năm bình quân cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. “Đất ở đây cằn cỗi nhưng lại phù hợp với các loại cây ăn trái, chúng phát triển nhanh, cho năng suất cao và chất lượng tốt nên cho thu nhập khá hơn so với trồng các loại cây khác”, chị Bảy nói.
Cách đó không xa, vườn cây ăn trái gần 1 ha của ông Giã Minh Thới (ở thôn Tân Phú) xanh mướt. Những lối đi nhỏ được phân định bằng những hàng dừa quanh co đẹp mắt, bên trong là những ô vườn trồng cam, quýt, thanh long, bưởi da xanh tốt tươi, trĩu quả. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng một chuồng chăn nuôi rộng khoảng 50 m2 để nuôi thỏ. Sau gần 1 năm, ông Thới đã phát triển được đàn thỏ lên 200 con và hướng đến quy mô 400 con trong thời gian tới. Với mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với chăn nuôi này, ông Thới dự kiến mỗi năm sẽ cho lợi nhuận 200 triệu đồng.
|
Vườn cam của ông Giã Minh Thới (bên phải) ở thôn Tân Phú (xã Ea Nuôl). |
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, hiện diện tích cây ăn trái của địa phương khoảng 1.200 ha với nhiều chủng loại phong phú như cam, quýt, bưởi, mít Thái… cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Cùng với mở rộng diện tích, việc liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cũng đã được nhiều hộ dân địa phương chú trọng.
Năm 2019, anh Trần Văn Toàn đứng ra thành lập và vận động bà con tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch Phú Nông (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) do anh làm Giám đốc để huy động sức mạnh tập thể nhằm xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trái cây chất lượng cao kết hợp với phát triển du lịch.
Đến nay, Hợp tác xã thu hút được 33 xã viên tham gia. “Chúng tôi đang triển khai cho các chủ vườn là xã viên của hợp tác xã cải tạo khuôn viên vườn, trồng các loại cây ăn trái phù hợp, kết hợp với tạo cảnh quan để hướng tới phát triển du lịch. Dù mới chỉ bắt đầu nhưng mô hình làm kinh tế này nhận được sự quan tâm của một số đơn vị khai thác du lịch và đang xúc tiến để triển khai sớm trong thời gian tới”, anh Toàn cho hay.
Gam màu sáng trong nông nghiệp
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, địa phương có hơn 23.000 ha đất nông nghiệp, tuy nhiên do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và trồng nhiều loại cây không phù hợp nên hiệu quả kinh tế không cao.
Để từng bước khắc phục những hạn chế này, năm 2011 Huyện ủy Buôn Đôn đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015. UBND huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết trên thành Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 5-1-2013 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, UBND huyện Buôn Đôn dành hơn 4,4 tỷ đồng hỗ trợ hàng trăm hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. |
Sau khi Đề án được ban hành, UBND huyện chỉ đạo các xã triển khai chọn hộ, địa điểm, quy mô để thực hiện một số mô hình trên tinh thần công khai, dân chủ; ngành chức năng tổ chức các đợt kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện; thành viên tổ chuyên trách thực hiện đề án xuống tận nhà, tận chân ruộng tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác, chăn nuôi.
Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Buôn Đôn đã xây dựng 145 mô hình cây, con như: Xây dựng cánh đồng mẫu về lúa cho 207 hộ/50 ha; trồng điều cao sản 106 ha/117 hộ; trồng cam, quýt, bưởi da xanh và mít trồng thuần 8,4 ha/9 hộ; hỗ trợ xây dựng quy trình để công nhận VietGAP đối với cây ăn trái, rau xanh và trang trại gia cầm, gà, vịt…
Từ những mô hình điểm này, nhiều người dân trong huyện đã học hỏi làm theo. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 80% người trồng lúa sử dụng các loại giống lúa lai năng suất cao; số lượng bò lai chiếm 50% tổng đàn; một số vườn tạp đã được cải tạo, thay thế bằng những vườn cây ăn quả: diện tích cây ăn trái tăng lên gần 1.200 ha…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc