Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới trong phát triển năng lượng quốc gia

12:23, 04/08/2020
Diễn ra trong bối cảnh ngành năng lượng đang phát triển hết sức năng động, Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 (Diễn đàn) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 55). Diễn đàn trực tuyến thu hút khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự tại các điểm cầu đã mở ra hướng đi mới trong phát triển năng lượng.
 
“Đòn bẩy” cho kinh tế tư nhân
 
Không chỉ có những ý kiến đánh giá của lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành, Diễn đàn quy tụ nhiều diễn giả, chuyên gia, đại sứ trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng đã chia sẻ, trao đổi, đánh giá về Nghị quyết 55 và chương trình, kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết này.
 
Một "điểm nhấn" đặt ra trong Nghị quyết 55 được các chuyên gia đánh giá cao đó là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào công cuộc phát triển năng lượng. Nghị quyết đã nêu rõ những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch, thông thoáng cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng.
 
Tham gia tích cực vào sự phát triển năng lượng quốc gia, thời gian qua, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) được xem là doanh nghiệp (DN) tiên phong trong khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển năng lượng.
 
Tổng Giám đốc Trung Nam Group Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ: Vấn đề lớn trong Nghị quyết 55 nhằm tạo “đòn bẩy” cho khu vực kinh tế tư nhân, đó là tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng. Đây là sự khẳng định của Đảng, Chính phủ về việc không phân biệt thành phần kinh tế nào, miễn là có đủ năng lực. Điều này đã tạo động lực cho khối DN tư nhân đang tham gia vào ngành năng lượng. Tuy nhiên để Nghị quyết đi vào thực tế, Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng một cơ chế cụ thể nhằm tạo ra hành lang pháp lý để triển khai, cùng đồng hành với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đầu tư phát triển năng lượng.
 
Một dự án điện mặt trời được lắp đặt tại huyện Buôn Đôn.
Một dự án điện mặt trời được lắp đặt tại huyện Buôn Đôn.
Cũng là DN tham gia đầu tư phát triển năng lượng, đặc biệt là đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện đánh giá: Nghị quyết 55 đã mở cánh cửa cho tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng, giải quyết bài toán phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam trong tương lai. Nhờ đó các DN vững tâm đầu tư sâu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. 
 
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Chính phủ sẽ sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực này.
 
Cần sớm hoàn thiện thể chế
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá: Trong 15 năm qua, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Một trong những nguyên nhân là do chậm giải quyết những vướng mắc về phương hướng phát triển các nguồn năng lượng và cụ thể hóa cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực này.
 
“Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là nghị quyết mang tính đột phá, chiến lược, mở đường cho phát triển năng lượng quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Nghị quyết 55 với năm quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc. Trong đó có hai quan điểm mang ý nghĩa then chốt là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là hoàn thiện thể chế để tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển điện năng và kiểm soát sự phát triển đúng hướng, hiệu quả, bền vững. 
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, để huy động nguồn lực từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000 MW công suất điện nguồn, chưa kể nguồn vốn để đầu tư cho mạng lưới truyền tải điện, tương đương khoảng 7 - 10 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về chính sách, các quy định liên quan đến công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
 
Trong thời gian tới, cần phải rà soát, sửa đổi một số luật như Luật Điện lực, Luật Dầu khí… để hạn chế sự chồng chéo giữa các luật. Đồng thời xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển năng lượng cũng như cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp. Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài.
 
Khả Lê
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.