09:14, 25/08/2020
Do tác động của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, đêm ngày 16-8-2020 mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện Lắk khiến mực nước tại các sông suối dâng cao, tràn vào cánh đồng và một số khu vực dân cư, gây lũ ống ngập lụt trên diện rộng, để lại hậu quả nặng nề.
Một số cánh đồng thuộc xã Buôn Tría, Buôn Triết đã bị ngập do mưa lũ. Ông Phạm Văn Bắc (thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría) có 2 ha lúa chuẩn bị thu hoạch cũng bị chìm sâu trong nước lũ. Ông Bắc cho hay, vùng này trũng nên hay bị ngập lụt, hằng năm cứ tới thời điểm này, gia đình ông luôn trong tình cảnh nơm nớp lo sợ lũ về bất ngờ. Năm nay lũ về muộn hơn so với mọi năm nên bà con đang khấp khởi mừng thầm vì lúa cơ bản đã chín, có thể gặt trước khi lũ về. Nào ngờ gia đình đang chờ đến lượt máy gặt thì lũ ập về, lúa ngập trong nước gần cả tuần nên năng suất giảm từ 30 - 40%. Vụ này ông Bắc dự kiến thu 17 tấn lúa, giờ thì coi như mất trắng vì lúa gặt về cũng không bán được do chất lượng bị giảm hoặc bán với giá rất thấp.
|
Điểm sạt lở giao thông nghiêm trọng ở xã Ea Rbin. Ảnh: Thuận Dung |
Cũng nằm trong tình cảnh tương tự, hộ ông Nguyễn Công Năm (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) chia sẻ, gia đình ông có 5 nhân khẩu, kinh tế phụ thuộc hết vào diện tích 2 ha lúa nước. Lúa của gia đình ông đang trong giai đoạn phơi mào (do sạ muộn hơn các ruộng khác) thì bị ngập gần một tuần và đã bị hư hết, không vớt vát được gì. Vụ này, ông Năm đầu tư hơn 30 triệu đồng tiền công, phân bón, sản lượng lúa năm nay ước đạt 13 - 14 tấn, thu về khoảng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, mưa lũ đã khiến gia đình ông lâm vào cảnh lao đao.
Hiện nay, toàn bộ cánh đồng hơn 500 ha của người dân ba thôn Liên Kết 1, 2, 3 thì có đến gần 50% diện tích bị chìm trong nước lũ. Nhiều hộ đã thuê gặt tay nhưng tỷ lệ hao hụt rất nhiều do hạt lúa bị rụng. Điều khiến người dân lo lắng là lúa đã ngâm trong nước lâu ngày nên khả năng vụ này nhiều hộ sẽ bị mất trắng.
Để kịp thời khắc phục thiệt hại do mưa lũ, nhất là 5 điểm bị sạt lở, hư hỏng nặng, huyện Lắk đề nghị tỉnh hỗ trợ 9,9 tỷ đồng để sửa chữa công trình hạ tầng giao thông bị hư hỏng và hỗ trợ kinh phí 2,9 tỷ đồng mua giống, khôi phục sản xuất cho nông dân. |
Ngoài thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là xã Ea Rbin. Ông Đặng Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Rbin cho biết, tối ngày 16-8, trên địa bàn xã Ea Rbin có mưa rất to, lượng nước do lũ từ các sông suối, ao hồ trong núi dồn về rất nhanh, gây sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tại 5 điểm ở tuyến đường liên xã Nam Ka đi Ea Rbin và chia cắt giao thông. Ngay khi đó, chính quyền xã đã tổ chức triển khai lực lượng ứng trực tại những điểm bị sạt lở nặng, chia cắt tuyến đường, cảnh báo cho người và phương tiện đi qua khu vực sạt lở.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Lắk, hiện đã có gần 1.400 ha cây trồng các loại (lúa, ngô, rau màu...) tại các xã: Ea Rbin, Đắk Liêng, Bông Krang, Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Nuê bị ngập; khoảng 400 con gia cầm bị cuốn trôi. Về công trình hạ tầng, tuyến đường giao thông liên xã Nam Ka – Ea Rbin (chủ yếu men theo bờ tả sông Krông Nô) bị hư hỏng nhiều đoạn, trong đó có 5 vị trí bị hư hỏng nặng, khiến hơn 500 hộ dân bị cô lập. Tổng thiệt hại ước tính trên 25 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về sản xuất nông nghiệp là 15,4 tỷ đồng, về hạ tầng giao thông là 9,9 tỷ đồng.
|
Người dân trên địa bàn xã Đắk Liêng tranh thủ gặt lúa khi nước đang rút. Ảnh: Minh Thùy |
Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho biết, trận mưa lũ không gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng kinh tế rất lớn, chưa thể thống kê hết. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Đắk Lắk cũng tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo địa phương có phương án tạm thời, tập trung khắc phục đoạn đường giao thông bị cuốn trôi kịp thời bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân vùng thiên tai. Tính đến ngày 23-8, nước cơ bản đã rút nhưng nhiều diện tích lúa ở các xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Liêng nước vẫn ngang thân cây, không ít thửa ruộng bị ngả đổ nên việc thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Riêng ở xã Ea Rbin, các vị trí đường giao thông bị hư hỏng nặng đang được khẩn trương đắp đường tạm để cho người dân đi lại và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trước tình hình trên, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên báo cáo tình hình thiên tai và tổ chức thống kê chi tiết những thiệt hại, vận động nhân dân sau khi nước rút tổ chức thu hoạch lúa kịp thời để tránh đợt lũ tiếp theo; hỗ trợ các đơn vị thi công nhanh chóng làm xong đường tạm, bảo đảm an toàn giao thông. Đối với xã Ea Rbin đang bị ảnh hưởng nặng nề do lũ ống, phải thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở nhân dân chú ý, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, trường hợp cần thiết phải chủ động di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiên tai.
Minh Thuận - Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc