Multimedia Đọc Báo in

Ngành vận tải "gồng mình" trong mùa dịch

10:52, 05/08/2020
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó hoạt động vận tải bị tác động mạnh, nhiều doanh nghiệp đang phải “gồng mình” trước những khó khăn.
 
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải, vận tải khách vẫn được hoạt động nhưng phải tuân thủ các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, xe khách đi, đến TP. Buôn Ma Thuột không được chở quá 50% số ghế/xe và không chở quá 20 người/xe. Đối với taxi hoạt động trên địa bàn thành phố chỉ chở 1 người/xe 4-5 chỗ và tối đa 2 người/xe 7-9 chỗ. Ngoài thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh và ngành liên quan, đơn vị vận tải còn tìm giải pháp vượt qua khó khăn trong mùa dịch.
 
Là một trong những hãng taxi có số lượng phương tiện lớn trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo thống kê, đơn vị hiện có 500 phương tiện, gồm xe thuộc quản lý của công ty và xe hợp tác kinh doanh. 
 
Xe khách đậu tại Bến xe liên tỉnh.
Xe khách đậu tại Bến xe liên tỉnh.
Từ khi Đắk Lắk ghi nhận 3 trường hợp mắc Covid-19, lượng khách đi xe giảm khoảng 70%. Đặc biệt, từ ngày thực hiện cách ly xã hội đối với TP. Buôn Ma Thuột, lượng khách đã giảm khoảng 90% so với ngày thường. Cụ thể, trong ngày 3-8, bộ phận tổng đài ở khu vực TP. Buôn Ma Thuột chỉ nhận được 150 cuộc gọi đặt xe của khách, trong khi những ngày thường khoảng 2.500 cuộc gọi đến. Tương tự, số lượng cuộc gọi đặt xe tại các trạm giao ca ở các huyện Ea H’leo, Krông Pắc, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ cũng giảm hẳn.
 
Trước khó khăn chung, Tập đoàn Mai Linh đã thống nhất giảm 50% phí quản lý (tiền đài) trong tháng 8 đối với xe hợp tác kinh doanh để giảm bớt gánh nặng cho tài xế, chủ xe. Đồng thời, hỗ trợ toàn bộ chất khử khuẩn xe, dung dịch rửa tay để các tài xế thực hiện phòng, chống dịch cho phương tiện, bản thân và hành khách đi xe. Chi nhánh tại Đắk Lắk sẽ thực hiện trực luân phiên đối với bộ phận hành chính và nhân viên trực tổng đài để tránh tập trung đông người và cắt giảm những chi phí không cần thiết trong thời điểm khó khăn.
 
"Hầu hết các đơn vị vận chuyển khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh chỉ chạy 30% tần suất, chủ yếu phục vụ nhu cầu cần thiết của người dân, chứ không có tính chất kinh doanh" - ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk.

Tương tự, tại Công ty Cổ phần vận tải ô tô Đắk Lắk, mặc dù chưa có chỉ đạo dừng hoạt động, nhưng do lượng khách ít, cộng với việc để bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách đi xe, từ ngày 3-8, đơn vị đã tạm dừng chở khách đối với khoảng 40 xe buýt chạy tuyến Đắk Nông và 45 xe buýt tuyến nội tỉnh. Ông Nguyễn Đình Bé, Giám đốc Công ty cho biết, đây không phải là lần đầu mà trong thời gian ảnh hưởng dịch đợt 1, đơn vị cũng cho phương tiện tạm dừng chở khách để phòng, chống dịch. 

Không chỉ các đơn vị vận tải bằng ô tô, một số hãng hàng không có giải pháp linh hoạt để vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh và vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong tháng 7, Hãng Bamboo Airways thực hiện tăng số chuyến trên hành trình Buôn Ma Thuột – Hà Nội – Buôn Ma Thuột để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách dịp cao điểm hè. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, lượng khách giảm mạnh, từ đầu tháng 8 Hãng đã chủ động cắt giảm số chuyến tăng cường, thực hiện bay 2 chuyến khứ hồi/ngày đối với hành trình này. 
 
Đối với hành trình Buôn Ma Thuột – Vinh – Buôn Ma Thuột, dự kiến ngày 5-8 khai thác trở lại, đã bán vé khoảng một tuần nay nhưng hiện cũng đã thông báo tạm dừng. Các vé đã mở bán trước đó, Hãng sẽ trả lại cho khách qua hệ thống đại lý, hoặc trả trực tiếp qua tài khoản (nếu khách mua vé qua Web).
 
Doanh thu giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong khi các khoản chi phí như lương nhân công, thuế phí, lãi suất ngân hàng… không thay đổi, khiến hoạt động vận tải chồng chất khó khăn. Giải pháp tạm dừng hoạt động, hỗ trợ phần nào cho tài xế, chủ xe trong mùa dịch chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị giảm lãi suất ngân hàng, có chính sách giãn nợ để vượt qua đại dịch và từng bước khôi phục hoạt động kinh doanh.
 
Hoàng Kim Ngọc
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.