Multimedia Đọc Báo in

Phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại

10:44, 11/08/2020
Thương mại - dịch vụ được huyện Krông Ana xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, huyện đang tập trung phát huy thế mạnh này để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế khác, nhất là tạo cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại.
 
Hạ tầng thương mại - dịch vụ phát triển
 
Những năm gần đây, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Krông Ana phát triển khá nhanh. Đặc biệt là mạng lưới chợ được Nhà nước và các thành phần kinh tế quan tâm đầu tư nâng cấp; cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh về số lượng, hàng hóa khá đa dạng, phong phú.
 
Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 8 chợ đang hoạt động (gồm: 1 chợ trung tâm; 7 chợ nông thôn), trong đó từ năm 2016 đến nay đã đầu tư nâng cấp 2 chợ nông thôn với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện chủ trương xã hội hóa, kêu gọi đầu tư xây dựng chợ đối với chợ Trung tâm xã Ea Bông và đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến nay, nhà đầu tư đang hoàn thành dự án.
 
Huyện cũng thực hiện tốt công tác quản lý về trật tự kinh doanh; sự phát triển của cửa hàng tiện lợi đã góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng văn minh, hiện đại của người dân, đồng thời giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm mà mô hình chợ truyền thống còn nhiều hạn chế.
 
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng phát triển cả về quy mô và loại hình dịch vụ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất, phục vụ tiêu dùng. Dịch vụ vận tải đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, với doanh thu bình quân hằng năm tăng trên 12%.
 
Hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn được đầu tư, nâng cấp mở rộng, hình thành mạng lưới giao thông kết nối mở rộng đến các vùng trong tỉnh, phá thế "ngõ cụt" của huyện. Một số điểm du lịch được đầu tư, bước đầu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, trung bình hằng năm đạt trên 30 nghìn lượt khách (trong đó có khoảng 1 nghìn lượt khách quốc tế). Các loại hình dịch vụ khác: như y tế, bưu chính viễn thông… phát triển khá đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
 
Sản xuất gạch ngói là một trong những ngành rất phát triển trên địa bàn huyện Krông Ana.
Sản xuất gạch ngói là một trong những ngành rất phát triển trên địa bàn huyện Krông Ana.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Minh Giám, trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Krông Ana có sự tăng trưởng nhanh cả về quy mô cũng như chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổng giá trị sản xuất của ngành thương mại - dịch vụ ước đạt trên 1.250 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 16,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện đến năm 2020 đạt 2.834 tỷ đồng.
 
Đưa thương mại - dịch vụ thành ngành chủ lực
 
Dù đã có nhiều khởi sắc nhưng thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện vẫn chưa theo kịp nhu cầu, thiếu các chợ đầu mối; các trung tâm mua sắm hiện đại phục vụ phát triển du lịch còn yếu và thiếu… Do đó, để giải quyết những khó khăn trên, UBND huyện Krông Ana sẽ tăng cường quản lý thị trường, tạo điều kiện cho thị trường hàng hóa phát triển lành mạnh, thông suốt, giá cả ổn định; đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn, ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp phát triển về quy mô và chất lượng dịch vụ; khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ các xã, thị trấn; thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
 
“Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng huyện Krông Ana đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành một trong những huyện phát triển khá của tỉnh. Trong đó, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 30,8% trong cơ cấu kinh tế của huyện” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Minh Giám

Ngoài ra, huyện tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại cũng như thường xuyên thông tin về các hội chợ trong và ngoài tỉnh đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, huyện tổ chức, tham gia có hiệu quả kế hoạch bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu theo định kỳ 2 năm/lần của tỉnh và huyện. 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Krông Ana đã có 1 đơn vị (Công ty Ca cao Nam Trường Sơn) đoạt giải Nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Đây là lợi thế rất lớn để làm "đòn bẩy" cho các hoạt động thương mại sản phẩm tiêu biểu của địa phương phát triển.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Minh Giám cho biết, huyện Krông Ana xác định thương mại - dịch vụ là ngành chủ lực để phát triển kinh tế. Bởi trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng sẽ thúc đẩy sản xuất và thương mại phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm.
 
Mặt khác, thời gian tới, một số dự án quan trọng trên địa bàn huyện được đầu tư đưa vào sử dụng như: tuyến đường nối Tỉnh lộ 2 với Tỉnh lộ 7 qua huyện Lắk; tuyến đường và cầu nối với huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) sẽ tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực để xây dựng huyện Krông Ana phát triển nhanh và toàn diện hơn...
 
Minh Thuận
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.