Siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng Tây Nguyên
Khu vực Tây Nguyên vẫn đang đối mặt với tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép. Đây là thực trạng đáng lo ngại, cần phải có giải pháp mạnh để bảo vệ và phát triển những cánh rừng nơi đây.
Rừng đang bị xâm hại nghiêm trọng
Tây Nguyên hiện có gần 2,56 triệu héc-ta rừng, chiếm 17,5% diện tích có rừng của cả nước, với tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 45,9%. Tuy nhiên, những cánh rừng tự nhiên ở Tây Nguyên hiện đang bị xâm hại từng ngày khiến diện tích giảm, chất lượng rừng thấp, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; đã xử lý 4.433 vụ vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước 56 tỷ đồng. Đáng ngại hơn, diện tích rừng tự nhiên giảm 15,7 nghìn héc-ta so với năm 2018.
Nhân viên của Công ty TNHH Lâm nghiệp Krông Bông tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Vạn Tiếp |
Riêng với Đắk Lắk, có trên 514 nghìn héc-ta rừng, độ che phủ đạt 38,6%. Từ năm 2019 đến 5 tháng đầu năm 2020, đã xảy ra 1.075 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2020, xảy ra 345 vụ, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Có thể thấy, rừng ở khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ, khiến các chủ rừng rất vất vả trong công tác quản lý, bảo vệ. Nhất là vấn nạn dân di cư tự do dẫn đến nhu cầu đất ở, đất sản xuất tăng cao, đời sống của người dân sống phụ thuộc nhiều vào rừng; giá một số mặt hàng nông sản tăng dẫn đến tình trạng xâm canh rừng để lấy đất trồng trọt; giá trị nhiều mặt hàng lâm sản cũng tăng cao nên các đối tượng lâm tặc manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng giữ rừng khi bị phát hiện…
Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, khôi phục, phát triển rừng. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu héc-ta, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%. |
Theo ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, việc quản lý rừng tự nhiên của đơn vị chịu áp lực lớn bởi nạn phá rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ trái phép. Trong những tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 168 vụ phá rừng cũng như lấn chiếm đất rừng khai thác gỗ, trong đó phá rừng, đốt rừng là 160 vụ (đốt rừng gây thiệt hại 6 ha, phá rừng tự nhiên là 27 ha). Tình trạng phá rừng không phải diện rộng, nhưng số vụ là khá nhiều. Mặc dù công ty đã lập các báo cáo kịp thời đề nghị các cơ quan chức năng xử lý, nhưng so với năm 2019 vẫn không giảm. Điều này nói lên áp lực quản lý, bảo vệ rừng đối với công ty rất nặng nề.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thấp khiến việc quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế. Đơn cử như tại các công ty lâm nghiệp, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng, các công ty này không còn được khai thác rừng tự nhiên để tạo nguồn thu. Do đó, kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng phụ thuộc vào sự hỗ trợ một phần của Nhà nước hoặc từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng khiến nguồn lực dành cho bảo vệ rừng hết sức khó khăn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hiện nay Tây Nguyên vẫn là "điểm nóng" phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ; tình trạng tranh chấp đất rừng kéo dài nhưng chậm được giải quyết dứt điểm. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên hiện đã giảm sút nghiêm trọng. Đến nay, hơn 70% rừng Tây Nguyên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt; diện tích rừng giàu và rừng trung bình chỉ còn lại ở các khu rừng đặc dụng và một số ít rừng phòng hộ đầu nguồn. Vấn đề đặt ra với Tây Nguyên là để phát triển bền vững thì việc giữ diện tích rừng như hiện nay cũng đã là cái ngưỡng mà chúng ta không thể để thấp hơn được nữa.
Một cây pơ mu bị đốn hạ tại khu vực rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý. Ảnh: V.Tiếp |
Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên huy động sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trong thời gian qua. Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm lâm luật và chống người thi hành công vụ; các tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay tiêu cực để xảy ra các vụ phá rừng trong thời gian qua. Ngoài ra, để giảm áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, các địa phương nhanh chóng xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 1-3-2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, giải quyết căn bản tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh trước năm 2025…
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, trong bối cảnh áp lực về giữ rừng rất lớn, bên cạnh việc phải siết lại trách nhiệm của chủ rừng, chúng ta cũng phải xử lý đồng thời nhiều vấn đề khác. Trong đó, nổi cộm là năng lực, điều kiện của chủ rừng, đặc biệt là các công ty lâm nghiệp còn hạn chế, trong khi cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều chồng chéo. Đắk Lắk cũng đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành cần quan tâm rà soát, xem xét lại các cơ chế, chính sách lâm nghiệp để tạo điều kiện pháp lý cho chủ rừng có thể thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng của mình. Đồng thời, bảo đảm nguồn lực để giữ rừng và tạo sinh kế cho dân cư sống gần rừng nhằm hạn chế người dân tác động vào rừng.
Minh Thuận - Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc