Multimedia Đọc Báo in

Tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu và bền vững

10:37, 05/08/2020
Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm thế mạnh, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... là hướng đi chủ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Ea Kar, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển mạnh, bền vững.
 
Cơ cấu lại sản phẩm
 
Thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, UBND huyện Ea Kar đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó tập trung vào một số sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: rau xanh, cam, quýt, cá, gạo, thịt heo, thịt gà, thịt bò, trà thảo dược, bột cà phê, ca cao, bột gừng, bột nghệ, tinh dầu cam quýt bưởi, các dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng...
 
UBND huyện đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản phẩm OCOP. UBND huyện cũng đã triển khai xây dựng 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm với tổng kinh phí thực hiện 1,7 tỷ đồng; hỗ trợ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với một số sản phẩm; xây dựng tem nhãn, bao bì sản phẩm, đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm. 
 
Nông dân huyện Ea Kar tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Nông dân huyện Ea Kar tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp huyện đạt 5,9%/năm. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 5.440,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,93% tổng giá trị sản xuất nền kinh tế của huyện; giá trị thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 50 triệu đồng, tăng trên 14 triệu đồng so với năm 2017.
 
Triển khai toàn diện trên các lĩnh vực
 
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà cho biết: Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện đặt ra mục tiêu tổng giá trị sản xuất đạt trên 69.000 tỷ đồng, trong đó nông – lâm nghiệp – thủy sản đạt khoảng 32.500 tỷ đồng. Tuy cơ cấu nông – lâm nghiệp – thủy sản giảm còn 39,3% trong cơ cấu kinh tế của huyện nhưng giá trị sản xuất lại tăng. Để đạt được mục tiêu này, huyện tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu, bền vững trên cả 5 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ.
 
Để tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện và bền vững, huyện Ea Kar tập trung phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời mong muốn có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn trong thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa, hình thành những cánh đồng mẫu lớn” - Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà.

Đối với lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, huyện Ea Kar tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP gắn với chỉ dẫn địa lý của Chương trình OCOP, phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tập trung quy hoạch và hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở các xã Ea Đar, Cư Ni, Ea ô, Ea Păl; phát triển mạnh các hình thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ hiện đại; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định, bền vững. 

Huyện đã thành lập được Hội Nông trại, quy tụ gần 50 trang trại lớn, góp phần định hình hướng đi, liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm đồng đều, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm để đưa vào hệ thống siêu thị, tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm.
 
Trong lâm nghiệp, huyện xây dựng phương án nông – lâm kết hợp theo hướng trồng rừng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng đối với những diện tích sản xuất được các công ty chuyển trả cho địa phương, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người dân sống gần rừng.
 
Ea Kar cũng tập trung khai thác hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, nhất là Dự án Krông Pách Thượng để phục vụ tưới cho hơn 15.000 ha cây trồng và phát triển chăn nuôi thủy sản. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Ea Kar khuyến khích các cơ sở sơ chế, chế biến nông lâm, thủy sản mở rộng quy mô, cải tiến công nghệ, nâng cao công suất để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân và phát triển mạnh các dịch vụ nông nghiệp.
 
Nguyễn Xuân
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.