Multimedia Đọc Báo in

Thanh long rớt giá, người trồng lao đao

10:46, 11/08/2020
Đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng thanh long rớt giá thê thảm, chỉ còn 2.000 đồng/kg, thậm chí không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người trồng thanh long ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) lao đao.
 
Gia đình anh Phan Quốc Thiết (thôn 2) có 800 trụ thanh long, trung bình mỗi năm đem lại nguồn thu từ 100 - 150 triệu đồng. Năm nay, vườn thanh long ước đạt 20 tấn. Thế nhưng khoảng một tuần nay, giá thanh long bất ngờ giảm mạnh xuống còn 2.000 đồng/kg khiến gia đình anh đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.
 
Anh Thiết than thở: “Giá rẻ bèo, nhưng thương lái chỉ lựa những quả nào to, đẹp mới mua. Thanh long chín không thể neo mãi trên cây nên gia đình tôi đành phải hái mang ra chợ bán, hy vọng vớt vát được đồng nào hay đồng đấy”.
 
Trồng thanh long hơn 10 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên anh Đoàn Ái Hòa (thôn 2) chứng kiến loại trái cây này rớt giá thê thảm nhưng vẫn không bán được. 450 trụ thanh long trong vườn nhà anh Hòa đang vào giai đoạn chín rộ mà không tìm được người thu mua. Nhìn thanh long chín nứt, hư trên cây, xót của, anh Hòa đã nhờ một số người quen rao bán online nhưng cũng chỉ được hơn 100 kg. Anh Hòa cho biết, đợt đầu năm cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá thanh long giảm nhưng còn bán được với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg. Còn với tình hình này, anh đành chấp nhận cắt bỏ quả để giữ sức cho cây nuôi trái vụ sau.
 
Vườn thanh long của gia đình anh Đoàn Ái Hòa (thôn 2) đã chín rộ nhưng không có người thu mua.
Vườn thanh long của gia đình anh Đoàn Ái Hòa (thôn 2) đã chín rộ nhưng không có người thu mua.
Chị Trần Thị Thu Thảo, chủ một đại lý chuyên thu mua thanh long trên địa bàn xã Cư Êbur cho hay, thường vào vụ thu hoạch thanh long, mỗi ngày kho của chị xuất khoảng 4-5 tấn quả phân phối đi Khánh Hòa, Phú Yên, Huế, Đà Nẵng… Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhất là khi Đắk Lắk xuất hiện ca dương tính với vi rút Sars-CoV-2 đã khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa trở nên khó khăn hơn, kéo theo giá thanh long giảm mạnh. Từ khi giá thanh long xuống thấp đến nay, chị thu mua cầm chừng với số lượng chỉ bằng 1/10 so với trước đây.
 
Được biết, trên địa bàn xã Cư Êbur hiện có 129 ha thanh long kinh doanh, sản lượng đạt hơn 3.200 tấn/năm. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm đang phụ thuộc vào sức mua của thương lái và các đại lý thu mua trái cây trên địa bàn nên khi giá cả xuống thấp khiến người trồng gặp không ít rủi ro.
 
Ông Trần Trọng Khánh, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Cư Êbur cho biết: “Phía tổ hợp tác đang tích cực phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột, Hội Nông dân thành phố tiến hành giới thiệu, quảng bá sản phẩm thanh long của địa phương, đồng thời tìm kiếm các công ty, đối tác thu mua để hình thành chuỗi giá trị liên kết giúp người dân trồng thanh long có đầu ra ổn định, yên tâm sản xuất”.
 
Tuyết Mai
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.