Multimedia Đọc Báo in

Thịt heo nhập khẩu: Xu hướng tiêu dùng mới

09:46, 20/08/2020
Trong bối cảnh giá thịt heo tươi sống tăng cao thì gần đây một bộ phận người tiêu dùng đã chuyển sang dùng thịt nhập khẩu. Các mặt hàng thịt đông lạnh này đang bắt đầu được người tiêu dùng địa phương để ý và chọn mua.
 
Lâu nay, nhiều người dân vẫn có thói quen sử dụng thịt “nóng”, được giết mổ tại chỗ, thịt đông lạnh nhập khẩu không phải là mặt hàng phổ biến với người dân địa phương. Tuy nhiên, từ khi giá thịt heo không ngừng leo thang và lập những "đỉnh giá" mới, có thời điểm lên đến 195.000 đồng/kg thì mặt hàng này bắt đầu giảm sức tiêu thụ.
 
Thêm vào đó, dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn làm giảm nguồn cung, càng tạo áp lực lên chuỗi cung ứng nội địa. Thịt đông lạnh nhập khẩu về bày bán trên thị trường tỉnh đã góp phần giải quyết khâu cung ứng, giảm áp lực chi tiêu và bước đầu được người dân địa phương chọn mua.
 
Theo khảo sát, từ khi Thủ tướng Chính phủ khuyến khích bán thịt heo nhập khẩu thì các siêu thị, cửa hàng kinh doanh lớn ở địa phương đều tăng lượng nhập về để cung ứng ra thị trường, sức tiêu thụ đang có xu hướng tăng dần. 
 
Khách chọn mua thịt nhập khẩu tại siêu thị MM Mega Martket Buôn Ma Thuột.
Khách chọn mua thịt nhập khẩu tại siêu thị MM Mega Martket Buôn Ma Thuột.
Hiện các siêu thị trên địa bàn tỉnh như Co.opmart, Vinmart, MM Mega Martket Buôn Ma Thuột, siêu thị EB Buôn Ma Thuột, chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh... đều bày bán thịt đông lạnh nhập khẩu. So với thịt tươi sống thì thịt nhập khẩu cũng phong phú không kém về chủng loại, bao gồm: thịt ba chỉ, thịt vai, thịt đùi, chân giò, thịt sườn, cốt lết… chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ, Úc, Canada. Giá bán của loại thịt này thấp hơn khoảng 30% so với thịt heo truyền thống, phù hợp với người tiêu dùng có thu nhập thấp.
 
Chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh có tổng cộng 48 cửa hàng kinh doanh trên phạm vi toàn tỉnh. Các cửa hàng của hệ thống đều nhập lượng lớn thịt đông lạnh về bán cùng với thịt tươi sống để phục vụ nhu cầu của khách. Từ tháng 7 đến nay, bình quân mỗi ngày, các cửa hàng của Bách hóa xanh cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn thịt heo nhập khẩu các loại. Thịt có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nhập về được bảo đảm các quy trình nghiêm ngặt từ khâu vận chuyển đến bảo quản sản phẩm, bảo đảm đúng quy chuẩn đề ra.
 
Theo nhận định của Sở Công thương, thị trường trong tháng 7 vừa qua không có biến động lớn. Giá cả một số mặt hàng nhu yếu phẩm tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá đột biến, nhất là giá thịt heo ổn định do được bổ sung nguồn cung từ thịt heo nhập khẩu.

Tại Siêu thị MM Mega Martket Buôn Ma Thuột, trước đây lượng tiêu thụ thịt nhập khẩu vẫn có và đối tượng khách hàng chính là doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp ăn công nghiệp… thì gần đây, lượng khách lẻ đến siêu thị tìm mua thịt đông lạnh cũng khá nhiều. Tại siêu thị này, thịt cốt lết, chân giò bán khá chạy.

Đại diện siêu thị MM Mega Martket Buôn Ma Thuột cho hay, từ khi giá thịt heo tươi sống leo thang thì lượng tiêu thụ thịt nhập khẩu tăng lên mỗi ngày. Thịt bán ở siêu thị được nhập khẩu từ hai nguồn chính là Mỹ và Úc, với các mặt hàng như thịt đùi, ba chỉ, chân giò… có hóa đơn, chứng từ và kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Còn tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc siêu thị cho hay, lúc đầu nhiều người dân còn e ngại, không quen dùng thịt đông lạnh nên sức mua khá chậm. Nhưng gần đây, sức mua thịt đông lạnh nhập khẩu có nhích lên so với trước. Với giá phải chăng, chất lượng được siêu thị cam kết, thịt heo đông lạnh đã góp phần làm đa dạng nguồn cung tại siêu thị và có thêm nhiều lựa chọn mua sắm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, so với hệ thống Siêu thị Co.opmart trên toàn quốc thì lượng thịt đông lạnh tiêu thụ tại Co.opmart Buôn Ma Thuột không cao bằng. Người tiêu dùng ở đây có lẽ đang bước đầu làm quen với việc sử dụng loại thực phẩm này.
 
Có thể nói, là loại thực phẩm khá mới nên thịt đông lạnh nhập khẩu chưa phải là lựa chọn hàng đầu với người tiêu dùng địa phương, dù giá có rẻ hơn thịt thông thường. Tuy nhiên, sự tham gia vào thị trường của nhiều hệ thống phân phối đang góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
 
Chị Nguyễn Thị Ngân (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, ngày trước chị hoàn toàn không có khái niệm mua thịt đông lạnh nhập khẩu để chế biến trong thực đơn hằng ngày của gia đình mình. Nhưng từ khi giá thịt heo tươi sống leo thang, chị mua thịt đông lạnh về dùng thử. Ban đầu, chị thấy không ngon vì không quen dùng, nhưng giờ đây, chị lại thấy tiện lợi bởi thịt này đã được sơ chế sẵn, có thể mua bất cứ lúc nào, chỉ cần biết rã đông đúng cách thì chất lượng vẫn bảo đảm. Hơn nữa, nguồn gốc thịt cộng với chế độ bảo quản ở siêu thị cũng khiến chị yên tâm chọn mua.
 
Trên thực tế, người tiêu dùng sử dụng thịt heo nhập khẩu có giá rẻ hơn nhưng bảo đảm được các quy định về an toàn thực phẩm. Dù sức mua chưa tăng cao như kỳ vọng nhưng sự chuyển dịch trong tiêu dùng của người dân bước đầu làm giảm áp lực đối với việc thiếu hụt nguồn cung thịt heo trong nước. Điều này cũng góp phần tiết kiệm chi phí chi tiêu cho người tiêu dùng, giúp người dân có thêm sự lựa chọn khi mua sắm. 
 
Đỗ Lan
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.