Multimedia Đọc Báo in

Trái cây Đắk Lắk "nghẽn" đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

10:47, 13/08/2020
Nhiều loại trái cây ở Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà vườn không bán được hàng hoặc bán được với giá thấp, nhất là với những loại trái cây nhanh chín như bơ, na Thái…
 
Hàng bán chậm, giá thấp
 
Chỉ vào đống bơ đổ dồn ở góc nhà, ông Đặng Huy Hùng, Giám đốc HTX Bơ Đại Hùng Đắk Lắk buồn bã nói, 1 tấn bơ booth được hái xuống chuẩn bị xuất đi Hải Phòng để thử nghiệm ép dầu thì Đắk Lắk xuất hiện ca dương tính với Covid-19. Vậy là bên nhà máy không chịu nhận hàng nữa, HTX đành lựa được mấy chục ký quả đẹp bỏ cho thương lái ngoài chợ; số còn lại đem tách lấy cơm để gửi kho đông lạnh, nhưng kho cũng chật chỗ nên HTX đành mang về để đem ủ phân vi sinh vì bơ đã chín, bán cũng không ai mua.
 
HTX Bơ Đại Hùng Đắk Lắk có 12 ha trồng bơ, được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng khoảng 100 tấn. Hiện còn trong các vườn gần 40 tấn quả, nhưng đầu ra gặp rất nhiều khó khăn vì Đắk Lắk đang có dịch bệnh Covid-19, khách hàng cũng e ngại trong việc tiêu thụ, nhiều cửa hàng không lấy hàng nữa hoặc lấy với số lượng ít. Kênh ở chợ đầu mối thì hầu như ứ đọng nhiều nên thương lái cũng thu mua cầm chừng. Điều này kéo theo giá bơ xuống thấp hơn so với mọi năm rất nhiều, hiện giá bán chưa bằng ½ giá bơ năm ngoái. Trong khi đó, bơ booth năm nay lại bị mất mùa, giảm đến 60 - 70% năng suất. Đây là một áp lực lớn cho các đơn vị sản xuất có chứng nhận.
 
Ông Đặng Huy Hùng, Giám đốc HTX Bơ Đại Hùng Đắk Lắk đi thăm vườn bơ booth.
Ông Đặng Huy Hùng, Giám đốc HTX Bơ Đại Hùng Đắk Lắk đi thăm vườn bơ booth.
Cùng với mặt hàng bơ, trái na Thái cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Đào Mạnh Việt, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Minh Đắk Lắk cho biết, trái na Thái đang bước vào chính vụ, tầm này năm ngoái, sản phẩm của HTX không đủ bán cho các kênh tiêu thụ, với giá cao 75.000 đồng/kg. Còn năm nay thì ngược lại, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá bán thấp mà sản phẩm xuất đi siêu thị, cửa hàng trái cây sạch rất hạn chế, khoảng 300 kg/ngày, với giá 45.000 đồng/kg; còn lại phải bán "xô" ngoài chợ, với giá 35.000 đồng/kg.
 
Được biết, HTX hiện có 70 ha trồng các loại cây: na, bơ, cà phê, nhãn, vải, trong đó, na có sản lượng 60 - 70 tấn. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là từ thời điểm trái na già và đến khi chín chỉ có 3 - 4 ngày, nếu không thu hoạch kịp, trái na sẽ rụng. Do vậy, thời điểm cắt lúc nào, được giá bao nhiêu thì người trồng phải chịu chứ không thể chờ như những loại trái cây khác. Trong khi đó vườn cây của HTX được canh tác theo hướng hữu cơ, chi phí sản xuất cao nên giá thành cao. Việc phải bán sản phẩm với giá thấp khiến sản xuất của HTX gặp nhiều khó khăn.
 
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ đầu năm nay, xuất khẩu các mặt hàng trái cây chủ lực có xu hướng giảm mạnh. Đơn cử, chuối giảm 9,5%; sầu riêng giảm tới 71,2%, dưa hấu giảm 38,5%... Đây là mức giảm chưa từng có, giá nhiều loại trái cây tại vườn lao dốc vì gặp khó trong xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (tại Đắk Lắk) cho biết, sản phẩm bơ booth được công ty chủ yếu xuất sang Campuchia và Thái Lan, nhưng do dịch nên hàng không xuất được. Riêng các vườn trong dân thì đang bị ứ đọng lượng bơ khá lớn do một số vùng trồng bơ booth đang vào vụ thu hoạch chính (như huyện Cư M’gar, Krông Ana, TP. Buôn Ma Thuột) nhưng không bán được cho những kênh khác. Mặc dù các vườn gọi lấy hàng rất nhiều, song trước mắt, công ty chỉ giải quyết được cho những HTX, hộ nông dân đã ký liên kết với công ty trước đó.

Cần có giải pháp căn cơ
 
Theo Sở NN-PTNT, Đắk Lắk đang là vựa cây ăn trái của Tây Nguyên, với gần 20.500 ha các loại như bơ, sầu riêng, mít, vải, cây có múi... Sản lượng bình quân hằng năm đạt gần 160 nghìn tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số loại trái cây đang vào vụ thu hoạch gặp nhiều khó khăn, nhất là với trái bơ vì hiện nguồn cung bơ quá lớn, nhưng sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, hệ thống chế biến, bảo quản bơ trên địa bàn chưa phát triển nên việc chế biến, trữ hàng gặp rất nhiều hạn chế.
 
Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, hiện ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng đang nỗ lực kết nối thương mại đến các thị trường trong nước có thu nhập cao (như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…) cũng như hướng đến thị trường nước ngoài để tìm đầu ra ổn định. Hội Cây ăn trái Đắk Lắk cho hay, vừa qua Hội đã làm việc với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu Chánh Thu (có trụ sở tại huyện Krông Pắc) để kết nối đầu ra cho trái sầu riêng và bơ. Đây là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây Việt Nam sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…
 
Hiện sản phẩm sầu riêng đã được doanh nghiệp xuất đi thị trường Mỹ và Nhật Bản. Riêng quả bơ thì doanh nghiệp sẽ kết nối với các đối tác nước ngoài để tìm đầu ra cho nông dân. Tuy nhiên, về lâu dài doanh nghiệp mong muốn kết nối với chính quyền địa phương để nắm dữ liệu vùng trồng. Từ đó, xác định được trữ lượng nguyên liệu cho xuất khẩu - chế biến, tạo thuận lợi cho việc lên kế hoạch sản xuất và đàm phán với đối tác. Điều này cũng sẽ giúp nông dân có đầu ra ổn định dù có dịch bệnh xảy ra.
 
Theo Hội Cây ăn trái Đắk Lắk, dự báo tình hình xuất khẩu trái cây sẽ còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, Hội sẽ tổ chức thêm các buổi tiếp xúc giữa doanh nghiệp và bà con nông dân để kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm trái cây.
 
Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.