Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng về một trung tâm công nghiệp năng lượng mặt trời nơi vùng biên

10:38, 12/08/2020
Những năm gần đây, nhiều dự án công nghiệp nói chung và lĩnh vực điện mặt trời (ĐMT) nói riêng đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện Ea Súp, góp phần tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở huyện biên giới.
 
Huyện Ea Súp nằm trong khu vực có số giờ nắng trung bình năm cao, năng lượng mặt trời khoảng 5 kWh/m2/ngày, số giờ tạo quang điện trong ngày tối thiểu khoảng 5 giờ. Đây là điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch.
 
Trên địa bàn huyện đã có hàng chục nhà đầu tư đến khảo sát, lập dự án xây dựng nhà máy ĐMT, tổng công suất hơn 4.000 MW. Điều này mở ra triển vọng hình thành một trung tâm công nghiệp năng lượng mặt trời tại địa phương trong thời gian tới.
 
Dự án ĐMT đầu tiên đi vào hoạt động tại huyện Ea Súp là Nhà máy ĐMT Long Thành 1 có công suất 50 MWp, tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đầu tư Long Thành Đắk Lắk 1 làm chủ đầu tư. Dự án này đi vào hoạt động ngày 20-6-2019, sau một năm hòa lưới, nhà máy đạt sản lượng 90 triệu kWh (cao hơn 5% so với thiết kế).
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê (thứ hai từ phải sang) kiểm tra tiến độ thi công Cụm 5 nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp.    Ảnh: Ngọc Quynh
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê (thứ hai từ phải sang) kiểm tra tiến độ thi công Cụm 5 nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp. Ảnh: Ngọc Quynh
Theo đại diện chủ đầu tư, khu vực này có giờ nắng tốt cho phát điện bình quân 5 giờ/ngày vào mùa mưa và 6 giờ/ngày vào mùa khô, hiệu quả sản xuất cao hơn những đánh giá, tính toán trước đó của các chuyên gia. Trên cơ sở thành công ban đầu của công trình ĐMT này, nhà đầu tư đã khảo sát, lập hồ sơ chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 của dự án có công suất 50 MWp.
 
Một dự án ĐMT quy mô lớn đang xây dựng trên địa bàn huyện Ea Súp là Cụm 5 nhà máy ĐMT Xuân Thiện – Ea Súp. Đây là một trong những dự án ĐMT có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tổng vốn đầu tư gần 16 nghìn tỷ đồng, công suất 600 MW, trong đó có 3 nhà máy công suất 100 MW và 2 nhà máy có công suất 150 MW. Dự án được triển khai trên diện tích 960 ha, hiện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
 
Về xây dựng đã hoàn thành khoảng 90% tiến độ; tiến độ lắp đặt cáp ngầm đạt 55%, lắp giá đỡ tấm pin đạt 15% và dự kiến sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục vào tháng 10-2020. Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện Nguyễn Huy Hoàng, hiện nhà thầu đang huy động 15 nghìn lao động thi công liên tục ba ca để dự án bảo đảm tiến độ, đưa vào vận hành phát điện thương mại vào ngày 15-11-2020.
 
 Thi công cụm 5 nhà máy ĐMT Xuân Thiện - Ea Súp. Ảnh: Huy Hoàng
Thi công cụm 5 nhà máy ĐMT Xuân Thiện - Ea Súp. Ảnh: Huy Hoàng
Bên cạnh lợi thế về năng lượng mặt trời, huyện Ea Súp cũng có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong một số lĩnh vực công nghiệp khác. Cụ thể, với diện tích, sản lượng dồi dào, những sản phẩm lúa, ngô, mía, sắn… sẽ là nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản, xay xát và sản xuất thức ăn gia súc.
 
Bên cạnh đó, huyện cũng có trữ lượng khoáng sản đất sét, cát, đá xây dựng phân tán tại các xã có thể đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Cụm công nghiệp Ea Lê nằm trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh quyết định thành lập năm 2011, diện tích hơn 25 ha, nhằm tập trung các nhà máy, xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường, đa ngành mà trọng tâm là chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và thủ công mỹ nghệ.
 
Theo đánh giá của Huyện ủy Ea Súp, một số dự án đầu tư vào địa phương thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực ĐMT sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện và tạo việc làm cho người lao động.
 
Địa phương sẽ tiếp tục thu hút, mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời, đánh giá, chọn lựa những dự án có tính khả thi cao và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nhằm thu hút được những dự án thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, các ban, ngành của huyện sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cơ hội, khảo sát, lập dự án và triển khai dự án.
 
Minh Thông
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.