Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực cho hộ nghèo phát triển kinh tế

10:47, 12/08/2020
Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng với khơi dậy sức dân, những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp đã đạt nhiều kết quả tích cực.
 
Là hộ nghèo của xã Ea Bung, gia đình bà Vũ Thị Len (thôn 6) càng khó khăn hơn khi chồng mất sớm, một mình nuôi các con, không có đất sản xuất. Được chương trình giảm nghèo tại địa phương tặng một con bò giống vào cuối năm 2019, bà có thêm nguồn kinh tế cho cuộc sống. Cần mẫn chăm sóc con bò giống mỗi ngày, đến nay, bà Len chuẩn bị đón nhận thành quả. Bà cho hay, không chỉ được hỗ trợ con giống, bà và người dân trên địa bàn còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ đó bò giống sinh trưởng tốt.
 
Năm 2019, địa bàn xã Ia Jlơi có 23 hộ dân được hỗ trợ bò sinh sản theo chương trình giảm nghèo bền vững. Triển khai theo cách làm mới, bà con không chăn nuôi riêng lẻ mà thống nhất đóng góp công của, xây dựng chuồng trại để nuôi tập trung, rồi thay phiên nhau chăm sóc cả đàn.
 
Nhờ phát huy tốt tinh thần đoàn kết, trách nhiệm nên các hộ không chỉ tiết kiệm được công chăn dắt, mà còn chăn thả tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường, việc kiểm soát dịch bệnh nhờ đó cũng tốt hơn rất nhiều so với nuôi riêng lẻ. Từ cách làm hiệu quả này, hiện trên địa bàn xã, bà con đang học hỏi để tiếp tục liên kết thực hiện.
 
Trục đường  giao thông  và hệ thống kênh mương trên địa bàn  xã Ea Bung được đầu tư  xây dựng,  tạo điều kiện để địa phương phát triển  kinh tế, xã hội.   Ảnh: Q.Anh
Trục đường giao thông và hệ thống kênh mương trên địa bàn xã Ea Bung được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Đỗ Duy Toại, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện 11 mô hình nuôi bò sinh sản và gà lai chọi cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở các xã Ea Lê, Ia Lốp, Cư Kbang, Ia R’vê, Ia Jlơi, Ea Bung, Ea Rốk.
 
Tổng kinh phí thực hiện các mô hình trên 4,6 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho 278 hộ. Nhờ triển khai chặt chẽ, lựa chọn đúng đối tượng, sát với nhu cầu người dân nên hiệu quả các mô hình ngày càng cao, góp phần hỗ trợ thiết thực giúp các hộ thoát nghèo bền vững.
 
Cùng với hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhiều năm qua, huyện Ea Súp còn triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, người nghèo như: vay vốn tín dụng ưu đãi, dạy nghề miễn phí gắn với tạo việc làm, cung cấp dịch vụ khuyến nông – lâm – ngư miễn phí cho người nghèo làm nông nghiệp, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, các chính sách an sinh xã hội...
 
Giai đoạn 2020 – 2025, toàn huyện Ea Súp phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4,0%/năm trở lên, trong đó, 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn sản xuất, được vay vốn tín dụng ưu đãi; 100% người nghèo có nhu cầu học nghề được đào tạo miễn phí; 100% học sinh nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp, 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Hầu hết các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo và bảo trợ xã hội đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và có hiệu quả. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều ước năm 2020 còn 25,5%, bình quân giảm 5,23%/năm (chỉ tiêu giảm 3,0%/năm trở lên).

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp chia sẻ, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã có những thành quả quan trọng, tiêu biểu là đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng cơ bản đã được bê tông hóa. 
 
Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm, đạt chỉ tiêu huyện đề ra; bà con ngày càng có ý thức, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Điều này góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như thông tin, y tế, giáo dục, nhà ở.
 
Ông Nguyễn Văn Nhiệm cho biết thêm, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, đặc biệt là tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao; đẩy mạnh xây dựng “Quỹ vì người nghèo” và các hoạt động, phong trào hỗ trợ người nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
 
Quỳnh Anh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.