Bản sắc nào cho đô thị Buôn Ma Thuột?
Song song với xu hướng hội nhập, liên kết giữa các vùng miền, khu vực thì vấn đề bản sắc địa phương được xem là cơ sở quan trọng tạo nên lợi thế so sánh.
Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Buôn Ma Thuột đã không ngừng phát triển lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng.
Thành tích ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa không khỏa lấp được một thực tế, đó là những giá trị tạo nên bản sắc cho đô thị này đang trở nên mờ nhạt. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà trong các bản quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đô thị gần đây của thành phố (đã được UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) vấn đề xác lập bản sắc đô thị trở thành một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu.
Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường làm Trưởng đoàn kiểm tra thực tế tại Lâm viên Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Kim Bảo |
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bà Phan Thị Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột khẳng định: Quyết định số 249/QĐ-TTg, ngày 13-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 xác định định hướng phát triển thành phố đến năm 2025 có “Cấu trúc đô thị bao gồm 2 vùng: Vùng phát triển đô thị và vùng vành đai xanh” với 3 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị quy tụ các đầu mối giao thông vùng và một số công trình hạ tầng xã hội nhằm đảm nhận vai trò trung tâm kinh tế - xã hội cấp vùng; (2) Quy hoạch thành phố phát triển bền vững gắn với điều kiện tự nhiên, vùng sinh thái rừng và cây công nghiệp – nhằm hình thành một thành phố cao nguyên xanh; (3) Thành phố được quy hoạch và chỉnh trang với mục tiêu tạo một không gian đô thị mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên.
Quy hoạch chung đã đánh giá đặc trưng riêng của Buôn Ma Thuột chính là địa hình tự nhiên của vùng cao nguyên gắn liền với văn hóa Êđê, trong đó mạng lưới suối – hồ tự nhiên không những là nguồn sinh thủy, thoát nước mặt đô thị mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo lập không gian xanh cho đô thị. Đây chính là điều kiện để đầu tư xây dựng tạo nên bản sắc riêng của thành phố. Đến nay, tổng diện tích quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố đạt 10.198 ha, trong đó khu vực nội thành là 9.434 ha, chiếm 92,95% diện tích đất tự nhiên nội thành; đảm bảo điều kiện pháp lý để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, dự án phát triển đô thị theo định hướng tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị: xanh, sinh thái, tạo nên bản sắc riêng.
Đánh giá về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Các đồ án quy hoạch đi vào cuộc sống chưa nhiều, thiếu tính đồng bộ, chất lượng và tính khả thi còn thấp, chậm rà soát, điều chỉnh. Chưa khai thác địa hình tự nhiên, sông suối, rừng cảnh quan, kiến trúc để quản lý xây dựng đô thị có bản sắc riêng. Công tác quản lý đô thị đang triển khai không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị. Các công trình kiến trúc xây dựng thiếu thiết kế đô thị, do đó hình ảnh đô thị của các tuyến phố thiếu nét đặc trưng của đô thị cao nguyên. Khu ở hiện hữu ven đô được xây dựng kiến trúc còn pha tạp, hạ tầng kỹ thuật thiếu kết nối giữa đô thị mới với khu dân cư hiện hữu. Các khu đô thị mới được quy hoạch, sắp xếp tương đối ngăn nắp, hình thức kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên phần lớn có kiến trúc giống với các đô thị hiện tại trong cả nước.
Có thể thấy quá trình đổi mới ở nước ta đã góp phần hồi sinh các đô thị cũ và tạo nên hàng trăm đô thị lớn nhỏ với nhiều hạng mục kiến trúc hiện đại nhưng dấu ấn riêng của các đô thị lại trở nên mờ nhạt hoặc biến mất. Đó là sự “na ná”, “quen quen”, sự lặp lại của các loại hình kiến trúc. Cho nên làm thế nào để định hình bản sắc đang thực sự là câu hỏi lớn cũng là nỗi đau đáu của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột hiện nay.
Những nếp nhà dài truyền thống ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia |
Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang trăn trở: Với 40 dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên sự đa dạng văn hóa cho TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó, người Êđê là dân tộc chiếm đa số trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại đây (khoảng 12%). Sự hiện hữu của cộng đồng Êđê và các nhóm dân tộc thiểu số với những nét độc đáo về không gian sinh tồn và thực hành văn hóa đã thực sự là một tài nguyên nhân văn quan trọng của thành phố, đặc biệt khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, được bao quanh bởi một cao nguyên đất bazan màu mỡ, đặc điểm địa hình lượn sóng, dốc thoải, Buôn Ma Thuột là đô thị hội tụ nhiều nguồn lực thuận lợi cho phát triển thành đô thị xanh sinh thái. Cùng với việc sở hữu những dòng suối: suối Xanh, Ea Tam, Ea Nuôl, Đốc Học với lưu vực nước khá lớn chảy trong lòng thành phố, Buôn Ma Thuột còn có những hồ nước lớn, nhỏ tạo ra các vùng cảnh quan rất đẹp như: hồ Ea Kao, Ông Giám, Ea Tam. Đó là những “báu vật” thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố này mà không phải đô thị nào cũng có. Buôn Ma Thuột cũng đã có những thành tựu kiến trúc nhất định. Bên cạnh những công trình kiến trúc truyền thống, các di tích lịch sử được bảo tồn, tôn tạo như Tòa Giám mục, Biệt điện Bảo Đại, còn có những công trình kiến trúc có xu hướng kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của người Êđê và kiến trúc hiện đại, góp phần tạo điểm nhấn cho cảnh quan thành phố.
Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang
|
Tuy nhiên, dưới áp lực của đô thị hóa, các loại hình kiến trúc mới đã phá vỡ cảnh quan buôn làng truyền thống của người Êđê trên địa bàn. Các không gian sinh hoạt cộng đồng và không gian sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống cũng dần biến mất, ngày càng rời xa đời sống sinh hoạt đương đại. Quá trình đô thị hóa ở Buôn Ma Thuột đã và đang phá vỡ hệ sinh thái truyền thống của vùng đất này. Suối trở thành nơi xả thải, bị lấn chiếm và đang thu hẹp dần, hồ mới chỉ sử dụng cho mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Để khai thác tốt yếu tố lịch sử và nền tảng tự nhiên - nhân văn rất độc đáo, kiến tạo nên bản sắc (về văn hóa, kiến trúc, cây xanh, hệ sinh thái…) cho đô thị, một số giải pháp căn cơ được thành phố tập trung đưa vào nghị quyết, chương trình đó là: chú trọng công tác quy hoạch đô thị gắn với việc đầu tư xây dựng không gian công cộng theo địa hình mặt nước tự nhiên và dòng suối. Kiến tạo không gian xanh cho đô thị không chỉ dừng lại ở việc trồng cây xanh, xây dựng các công - lâm viên, mà còn phải tận dụng và khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên, văn hóa để mang lại diện mạo đặc thù. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư để gìn giữ, cải tạo, chỉnh trang các dòng suối, hồ nước trong thành phố để không gian xanh tự nhiên này tạo nên gương mặt rất riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột, đi vào đời sống của cư dân ở đô thị này như một “đặc ân” mà thiên nhiên ban tặng. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Điều đó sẽ tạo ra động lực tự thân cho mỗi cộng đồng trong xây dựng và phát triển thành phố.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc