Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh xã Ea Tân thi đua phát triển kinh tế

08:32, 03/09/2020

Thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một trong những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Ea Tân (huyện Krông Năng), Qua đó nhiều hội viên đã vươn lên làm giàu và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội CCB xã Ea Tân hiện có 324 hội viên, sinh hoạt ở 17 chi hội. Để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, triển khai hoạt động có sức lan tỏa sâu rộng, Hội đã gắn việc học tập và làm theo lời Bác với công tác xóa đói giảm nghèo, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, tập trung tăng thu nhập nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho hội viên.

Hội chủ động tạo nguồn vốn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế như: Xây dựng quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo được 981 triệu đồng; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội gần 5,9 tỷ đồng; xây dựng Quỹ Đồng đội với mức đóng góp 25 nghìn đồng/người/năm… cho hội viên vay để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.

Cựu  chiến binh Lê Quang Bé  trong vườn  sầu riêng của  gia đình.
Cựu chiến binh Lê Quang Bé trong vườn sầu riêng của gia đình.

Các giải pháp trên đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đơn cử như CCB Phan Văn Khiêm (thôn Ea Chăm). Năm 1999, sau khi rời quê hương Ninh Bình, CCB Phan Văn Khiêm đưa gia đình vào thôn Ea Chăm, xã Ea Tân để sinh sống và lập nghiệp. Ban đầu ông mua hơn 1 ha đất cà phê, vừa làm vừa tích góp dần để mua thêm đất sản xuất.

Nhận thấy thu nhập cao từ cây ăn trái, ông chủ động chuyển đổi cây trồng, đưa nhiều giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao vào trồng xen canh trong vườn cà phê. Để nắm vững kỹ thuật chăm sóc, ông thường xuyên tham gia các cuộc hội thảo và tham quan nhiều vườn cây ăn trái của địa phương để học hỏi và áp dụng cho vườn cây của gia đình.

Nhờ chăm chỉ lao động sản xuất, đến nay gia đình ông đã có 4 ha đất trồng cà phê xen 2.800 cây tiêu, 400 cây sầu riêng Dona (120 cây đã cho thu hoạch), 150 cây na Thái, 300 cây bơ booth và 30 cây bơ Thành Bích. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Theo ông Khiêm, nhờ trồng xen nhiều loại cây nên gia đình có thu nhập cao trên một đơn vị diện tích, việc chăm sóc cũng dễ dàng, lại hạn chế được rủi ro trong sản xuất. Ông cũng chủ động sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, giúp cây trồng phát triển xanh tốt và năng suất cao.

Sau 25 năm sinh sống ở thôn Quang Trung, CCB Lê Quang Bé đã có cuộc sống no ấm, có của ăn của để. Trước đây, 5 ha đất của gia đình ông chỉ trồng độc canh cà phê và trồng xen bắp, đậu trong vườn để có thêm nguồn thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Sau đó, khi có vốn đầu tư, ông đã trồng xen thêm các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bơ 034, bưởi da xanh… Sản phẩm được các thương lái vào tận vườn thu mua, đầu ra ổn định; doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Với tinh thần tương thân tương ái, gia đình ông Bé còn giúp đỡ nhiều hộ dân vươn lên phát triển kinh tế bằng cách cho vay cây giống, cho mượn tiền không lãi suất. Gia đình ông cũng luôn gương mẫu, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ngoài ra, Hội CCB xã Ea Tân còn có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi như: Mô hình trồng xen cây ăn quả của CCB Phạm Văn Tương, thu nhập hơn 1 tỷ đồng; CCB Bùi Văn Tứ trồng cây ăn quả và kinh doanh phân bón, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm; CCB Nguyễn Văn Toàn phát triển trang trại nuôi bò, thu nhập 300 triệu đồng/năm… Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Ea Tân cho biết, nhờ làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nhiều năm nay Hội không còn hội viên nghèo, 100% có nhà ở kiên cố, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 90%, tỷ lệ hội viên có kinh tế giàu, khá đạt 70%. Đời sống hội viên được nâng cao, giúp tổ chức hội ngày càng vững mạnh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ nhau phát triển kinh tế bền vững, không để hội viên nào tái nghèo, thi đua phát triển kinh doanh giỏi.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.