Huyện Cư M'gar: Thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển
Ngày 26-10-2016, Huyện ủy Cư M’gar đã ban hành Nghị quyết số 26- NQ/HU về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 (Nghị quyết 26), với mục tiêu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 12 - 13% trong cả nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Qua 5 năm thực hiện, giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tăng bình quân trên 12,7%/ năm, đạt hơn 112,7% so với nghị quyết đề ra.
Theo Bí thư Huyện ủy Cư M'gar Nguyễn Đình Viên, huyện đặt ra mục tiêu phát triển CN-TTCN nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực đột phá về tăng trưởng và tăng thu ngân sách nhà nước. 5 năm qua ngành CN-TTCN đã có bước phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của huyện; bước đầu đã khai thác, phát huy được lợi thế sẵn có về nguyên liệu từ nông lâm sản, khoáng sản... và nguồn lao động tại chỗ. Sản xuất CN-TTCN đã có bước phát triển khá về quy mô, năng lực được nâng lên, công nghệ từng bước được đổi mới.
Doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm tìm hiểu sản phẩm của Công ty Cổ phần Sản xuất cà phê bột Trung Hòa. |
Huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến cà phê, phân vi sinh, sản xuất vật liệu xây dựng, cán tôn, thép... Giai đoạn 2011 - 2015, khi chưa có Nghị quyết 26 thì cơ cấu ngành CN-TTCN chiếm hơn 17,8%, giá trị sản xuất CN-TTCN hằng năm của huyện chỉ đạt 710 tỷ đồng. Từ khi triển khai nghị quyết, cơ cấu ngành CN-TTCN chiếm gần 22% trong tỷ trọng nền kinh tế ở địa phương; đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất ước đạt 1.160 tỷ đồng, tăng hơn 1,6 lần so với năm 2015.
Để tạo động lực cho CN-TTCN phát triển, huyện Cư M’gar đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN-TTCN, triển khai các đề án khuyến công, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý, có cơ chế thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sản xuất, kinh doanh. Tính đến hiện tại, toàn huyện có 975 cơ sở sản xuất CN-TTCN. Trong đó, một số nhóm sản phẩm duy trì được mức tăng mạnh, gồm: chế biến nông sản, rơ moóc xe công nông, bơm điện, đá cây, đá xây dựng... Bên cạnh đó, trên địa bàn có trên 10 cơ sở sản xuất cà phê bột vừa và nhỏ.
Khách nước ngoài tìm hiểu về sản phẩm cà phê bột Trung Hòa tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. |
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cư M’gar cho biết, trong định hướng phát triển CN-TTCN, huyện chú trọng lấy công nghiệp chế biến nông lâm sản làm bước đột phá, đồng thời phát triển mạnh các ngành công nghiệp thực phẩm, khai khoáng, công nghiệp phục vụ nông thôn. Những năm gần đây, lĩnh vực này trên địa bàn đã có những bước phát triển đáng kể, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động tại địa phương.
Huyện Cư M’gar đang phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thu hút đầu tư Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân (xã Ea Drơng); Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ea K’pam và thị trấn Quảng Phú; Khu chăn nuôi tập trung tại xã Ea M’droh. Đồng thời, phối hợp với nhà đầu tư khảo sát, lập dự án Nhà máy điện mặt trời VK-100MWp tại xã Ea M’droh và Quảng Hiệp; Dự án điện gió tại các xã Cư Dliê M’nông, Ea Tul, Ea Tar… |
Huyện cũng tranh thủ lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn hỗ trợ cho các cơ sở mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ và vùng nguyên liệu sẵn có.
Đơn cử như sản phẩm cà phê bột Trung Hòa của Công ty Cổ phần Sản xuất cà phê bột Trung Hòa (thị trấn Quảng Phú) đã vượt xa quy mô của một sản phẩm địa phương và được nhiều người tiêu dùng trong nước tin dùng. Mới đây nhất, bộ sản phẩm cà phê hạt, cà phê bột Trung Hòa đặc biệt do công ty sản xuất đã được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020.
Ông Trần Văn Phương, Giám đốc công ty cho biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2016, đơn vị đã đầu tư 350 triệu đồng, trong đó có 95 triệu đồng được hỗ trợ vốn từ chương trình khuyến công địa phương, để ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê bột. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị được thuận lợi và tạo đà phát triển hơn.
Hiện tại, doanh nghiệp đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Nhờ biết đặt chữ "tín" lên hàng đầu trong kinh doanh nên dù trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng Công ty Cổ phần Sản xuất cà phê bột Trung Hòa vẫn duy trì đều đặn các đơn hàng có giá trị, cung ứng đi các tỉnh thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Xác định phương châm lấy nội lực là yếu tố quyết định để phát triển CN-TTCN, thời gian tới, huyện Cư M'gar tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp sản xuất, khai thác và chế biến nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất; nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm… Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN tăng trưởng bình quân trên 15%/năm.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc